Sơ lược lịch sử Chùa – Tháp Tường Long

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG CHÙA – THÁP TƯỜNG LONG
PHƯỜNG NGỌC XUYÊN, QUẬN ĐỒ SƠN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

LƯỢC DẪN LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA VÀ PHÁT TRIỂN :

Đạo Phật du nhập vào đất nước Việt Nam đến nay đã trên 20 thế kỷ. Xuyên suốt từ thời kỷ mở nền tự chủ cho nước nhà thời Tiền Lý cho đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, Đạo Phật luôn đồng hành cùng Dân Tộc phấn đấu cho một nước Việt Nam hùng cường, độc lập, tự chủ.

Theo sách “Đạo Phật Việt Nam” của Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Đức Nghiệp xuất bản 1995 viết: vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch tại Vương Quốc Ấn Độ, dưới sự ùng hộ của Quốc Vương AsoKa (268 – 232 trước TL) và sự chỉ đạo của Hòa Thượng Moggaliputta Tissa (Mục Đế Tu). Phật Giáo Ấn Độ đã gửi 9 giáo đoàn đi truyền bá chính pháp tại các nước Châu Á và Đông Nam Á v.v. Trong đó có một giáo đoàn do hai Ngài Sona và Uttara lãnh đạo đã tới Miến Điện và toàn xứ Đông Dương kể cả Việt Nam. Từ đó Đạo Phật đã được truyền bá rộng rãi ra các nước ngoài lãnh thổ Ấn Độ.

Theo lịch sử Phật Giáo Việt Nam (NXB Hà Nội 1988) viết: “…có học giả dựa vào một tài liệu Trung Hoa nói rằng,ở đất Giao Châu tại thành Nê Lê có Bảo Tháp của vua AsoKa (Vua A Dục Vương). Và học giả đó xác định thành Nê Lê mà sử liệu Trung Hoa nói tới chính là Đồ Sơn hiện nay.”

Biết rằng Đồ Sơn là một địa danh cách Thành Phố Hải Phòng trên 20km thì chắc chắn vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch theo các đoàn thuyền buôn của thương  gia Ấn Độ và đoàn truyền giáo do hai Ngài Sona và Uttara đã tới đây thuyết pháp và cùng với nhân dân địa phương xây dựng bảo tháp OsaKa (Vua A Dục Vương) để kỷ niệm và tri ân Vua A Dục Vương đã gửi giáo đoàn tới đây để truyền bá Phật Pháp!

Tới thế kỷ XI thời đại Nhà Lý (1010 – 1225) đạo Phật Việt Nam đã phát triển hưng thịnh. Phật Giáo được tôn vinh là Quốc Đạo, các vị vua đã cho tu sửa và xây dựng nhiều Chùa, Tháp để thờ Phật, lấy giáo lý Đạo Phật để dạy Nhân Dân hành Thập Thiện.

Theo “Đại Việt sử Lược” vào năm Mậu Tuất 1058 Vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ, Ngài đã dừng chân lại nơi đây, thấy cảnh trí đẹp bèn cho xây Tháp Cửu Phẩm trên nền tháp cũ AsoKa và Ban pháp hiệu Tháp Tường Long, nghĩa là “thấy Rồng vàng hiện lên để ghi nhớ điềm lành”

Lại có người cho rằng: vị trí chiến lược trọng yếu nơi phên dậu đất nước nên vua Lý Thánh Tông đã cho xây Tháp vừa thờ Phật, vừa là Đài Quan Sát trong hệ thống Truyền Đăng dọc bờ biển. Để mỗi khi đất nước có giặc xâm phạm bờ cõi thì các Đài Quan Sát liền đốt cỏ khô cho khói bay lên để báo tin về Kinh Thành

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Chùa Tháp Tường Long đều được trùng tu tôn tạo tố hảo và là một trong những danh lam thắng cảnh hàng đầu của đất nước thời bấy giờ.

Đến thời nhà Nguyễn năm Gia Long thứ 3 (1804), theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí Quốc Sử Quán Triều Nguyễn” có ghi: “… Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn huyện Nghi Dương tỉnh Hải Dương cao trăm thước dựng từ thời Long Thụy Thái Bình Triều Lý, Vua Gia Long đã cho phá Tháp để lấy gạch xây Thành Trấn Hải Dương!”

Cảm nhận sự hoang tàn qua phong sương vũ lộ của một chứng tích lịch sử: trong “Đồ Sơn Bát Vịnh” hiện còn ghi lại ở cuốn Gia Phả họ Hoàng bằng chữ nho nhan đề “Tháp Sơn Hoài Cổ” đã được nhân dân dịch ra như sau :

Phiên âm

Cổ Tháp di hư loạn thảo đôi
Dục vương khứ hậu ủy yên đồi
Thiên chung bảo khí minh lưu thủy
Cửu cấp phù đồ hóa kiếp hôi
Tiểu tử y kha miên thạch đắng
Mục nhi khu độc há sơn ôi
Đăng cao dục hội sơn Tăng giảng
Hà xứ chung lâu khấu nhất hồi

Dịch nghĩa

Tháp xưa lau cỏ tốt tơi bời
Vua Dục (1) đi Vua sau (2) cũng đổ rồi!
Chuông nặng ngàn cân kêu đầy nước
Tháp cao chính bậc hóa thành vôi
Chú Tiểu dựng củi nằm đo đá
Trẻ Mục lùa  trâu vội xuống đời
Lên núi muốn cùng sư giảng kệ
Chuông đâu mà đánh thử mấy hồi?

(1) Vua Dục đi: nghĩa là Tháp Dục Vương (AsoKa) đổ nát
(2) Vua sau: nghĩa là Tháp Tường Long của vua Lý Thánh Tông cũng đổ nát rồi

Hiện tại Chùa Tháp Tường Long được xây dựng từ thời Lý và được trùng tu tôn tạo qua các triều Trần – Lê không còn nữa!

Qua những di khảo cổ được khai quật lần thứ nhất năm 1978 của Viện Khảo Cổ học cùng Sở Văn Hóa  Thông Tin Hải Phòng và lần khai quật thứ 2 năm 1998 cũng như những chứng tích lịch sử còn để lại cho thấy:

Tháp được xây vuông, móng Tháp mỗi chiều rộng 15m – chân Tháp mỗi chiều 7.86m – bề dày của tường là 2.5m – chiều cao 9 tầng khoảng 42m – mở cửa ra hướng Tây, lòng Tháp rỗng khoảng 9m2 nơi thờ tượng Phật A Di Đà. Ngoài ra những di vật như bệ Tượng Phật A Di Đà hình bát giác được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh, nay chỉ còn 4 cạnh. (Bệ tượng này giống hệt bệ tượng Phật A Di Đà Chùa Phật Tích, Bắc Ninh). Chân tảng cột chạm khắc hoa sen bằng đá xanh và đá sa thạch.

Tượng Chim Anh Vũ bằng đất nung, Tượng Đầu Rồng mũi dài miệng rộng bằng đất nung, những họa tiết như hoa sen, hoa cúc dây, lá Bồ Đề được tạo hình tinh xảo mang đậm phong cách kiến trúc Chiêm Thành đặc trưng của thời Lý

Những viên gạch bằng đất nung xây dựng móng Tháp hiện còn nguyên vẹn, với nhiều kích cỡ khác nhau. Trên gạch in rõ dòng chữ Hán “Lý Gia Đệ Tam Đế Long Thụy Thái Bình Tứ Niên Tạo”. Nghĩa là đời Vua Lý thứ 3 niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 4 làm ra viên gạch và cũng có nghĩa tạo dựng Tháp Tường Long vào năm đó.

Qua đó chúng ta nhận thấy rằng Chùa Tháp Tường Long được xây dựng cùng thời với Tháp Báo Thiên kinh thành Thăng Long Hà Nội, Tháp Long Đọi Sơn Duy Tiên Hà Nam, Chùa Chân Giáo, Chùa Phật Tích Bắc Ninh v.v.

Năm 1991, Phật tử và nhân dân Thị Xã Đồ Sơn, phường Ngọc Xuyên đã đóng góp công sức xây dựng 1 ngôi chùa nhỏ 3 gian 2 chái bằng bê tông cốt thép bên cạnh nền Tháp cũ để hương khói thờ Phật.

Năm 2005, quần thể Chùa Tháp được công nhận là một di tích khảo cổ học cấp quốc gia để cùng với cả nước chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội

Năm 2008, UBND thành phố Hải Phòng đã nhất trí với  dự án Phỏng Dựng quần thể di tích Tháp Tường Long và giao cho UBND quận Đồ Sơn làm chủ đầu tư kết hợp với Ban Trị Sự Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hải Phòng tôn tạo phục dựng (dự  toán kinh phí các hạng mục công trình trên 170 tỷ đồng)

Nhận thấy đây là công trình kiến trúc văn hóa Tôn Giáo trên thế đất linh thiên nơi phên dậu của Tổ Quốc. Được sự cho phép của các cấp chính quyền thành phố, quận Đồ Sơn, thay mặt Chư Tôn Đức Tăng Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hòa Thượng Thích Quảng Tùng đã cùng tín đồ nhân dân Phật từ địa phương và thập phương bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã đóng bè tập phúc hàng chục tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để san lấp mặt bằng xây dựng ngôi Tam Bảo, nhà thờ Phật, đúc chuông, đúc tượng, các đồ thờ tự khi1 v.v.

Sau 5 năm xây dựng, đến nay ngôi Tam Bảo đã được cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ tín ngưỡng nhân sinh.

Còn các hạng mục công tình khác nhau như Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Thờ Thập Bát La Hán, Gác Chuông, Cổng Tam Quan v.v. đang chờ cấp phép xây dựng