Pháp Thoại “Trời Quang – Mây Tỏ”

Pháp thoại của HT Thích Thái Hòa chia sẻ tại Làng Mai, vương quốc Thái Lan, vào ngày 03.03.2024, nhằm ngày 23 tháng giêng năm Giáp Thìn PL 2567: “Trời Quang –Trăng Tỏ”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa HT Thích Minh Nghĩa , HT Thích Thiện Tâm cùng Đại chúng Xuất Sĩ , Cư Sĩ đang có mặt ở trong Pháp hội này tại Tăng thân Làng Mai ở Vương quốc Thái Lan quý mến!

Thưa đại chúng!

Những gì đáng dạy, Sư ông chúng ta đã dạy, những gì đáng nói, Sư ông chúng ta đã nói , những gì đáng làm, Sư ông chúng ta đã làm, hôm nay ở nơi đây, Đại chúng đã được tiếp đón có HT Minh Nghĩa, HT Thiện Tâm, và các Ngài đã chia sẻ một cách tận tình đến với Đại chúng. Nay, TT Pháp Niệm, lại xin tôi chia sẻ tiếp , không lẽ từ chối, cho nên chúng tôi cũng có vài điều chia sẻ với Đại chúng Xuất sĩ và Cư sĩ có mặt trong Pháp hội hôm nay.

Tôi rất vui, khi bước vào đây, bước vào đây và biết được rằng, ở nơi đây có chúng xuất sĩ Nam ở trú xứ Trời Quang và Giới xuất sĩ Nữ ở trú xứ Trăng Tỏ. Trời mà không quang, làm sao chúng ta thấy mặt nhau, cho nên chúng ta thấy mặt nhau, ta hỗ trợ nhau tu học trong tinh thần thương thân, tương ái; trong tinh thần của tình huynh đệ; trong chí nguyện Bồ Đề. Nếu chúng ta không có Trời Quang thì lấy gì để mà tương thân tương ái, khi chúng ta sống quá nhiều lầm lỗi trong dòng chảy vô minh, tham ái, chấp ngã, chấp Pháp và trời không quang, lấy gì mà trăng tỏ? Cho nên, Trăng tỏ được là từ nơi Trời quang. Tuy, Trời quang Trăng tỏ, nhưng đâu ra đó. Trời quang có thể tính, có tác dụng, có hiệu quả của Trời quang; Trăng tỏ có nhân duyên, có tác dụng của Trăng tỏ.

Cũng vậy, chúng ta tới với nhau trong sự tương quan, tương duyên, hỗ trợ nhau để trở thành ra một dòng chảy Tăng thân tiếp nối từ Chư Phật Quá khứ; từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, từ Thầy tổ của chúng ta; từ Tây thiên đến Đông độ đến Việt Nam, rồi qua các nước Tây Phương, tất cả những cái đó phải đi từ Trời Quang, Trăng Tỏ.

Trăng không tỏ, bóng đêm sẽ phủ lên đời sống chúng ta; Trời không quang, mây mù, sương gió phủ lên đời sống của chúng ta, khiến chúng ta nhìn cuộc đời như những gì đang thách thức chúng ta. Nhưng khi trời đã quang; Trăng đã tỏ thì chúng ta nhìn cái gì, ra cái đó, tất cả đều là anh em, đều là huynh đệ. Anh em và Huynh đệ ở đây, không phải chỉ là con người với con người mà anh em và huynh đệ ở đây, chúng ta còn có thiên nhiên, mây trời, nguồn nước, núi xanh, biển khơi, tiếng chim hót, tiếng suối reo, bông hoa nở, tất cả đều anh em của chúng ta. Chúng ta có bổn phận phát khởi tâm trí rộng lớn, để ôm ấp được những gì liên hệ đến ta, và những cái gì không phải của ta. Cái không phải của ta hôm nay, nó có thể trở thành cái của ta ngày mai  hay ngày mai nữa; và những cái mà ta tưởng rằng của ta, nhưng vì tâm bé nhỏ, khiến nó vượt qua cái của ta, để trở thành thách thức với ta.

Đây là điều quý vị không có Trời quang, Trăng tỏ sẽ không thấy, nhưng những vị ở trú xứ Trời quang có thấy mình Trời quang không? Những vị ở trú xứ Trăng tỏ có thấy mình Trăng tỏ không ?

Dù có thấy hay không thấy, chúng ta cũng cần phải thực tập bốn  điều thanh tịnh này, và nếu ta thực tập bốn điều thanh tịnh này, thì Trời không quang, rồi cũng sẽ quang; Trăng không tỏ rồi cũng sẽ tỏ. Trăng không những tỏ hôm nay mà vĩnh viễn về sau; Trời không những quang hôm nay mà quang vĩnh viễn ngàn sau, chỉ bốn điều này thôi.

Đức thế tôn của chúng ta đã căn dặn cho tứ chúng đệ tử xuất gia và tại gia, ai làm được bốn điều này, xứng đáng là thành viên chính thức của Tăng già nhị bộ, không làm được bốn điều này, thì giống như tử thi ở trong biển cả của Phật pháp. Biển ấy sẽ không dung tử thi và đẩy tử thi đó vào bờ, trả lại cho đất liền cấu uế.

Điều thứ nhất: Phải luôn luôn giữ gìn thanh tịnh Luật nghi. Nhờ giữ gìn Luật nghi mà ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống ở trong Chánh niệm, tỉnh giác; không có Luật nghi, thì sự ăn uống của chúng ta dù cố gắng để trở thành Xuất sĩ, để trở thành Cư sĩ, thì vẫn không bao giờ biến mình trở thành Xuất sĩ và Cư sĩ  đệ tử của đức Thế tôn. Cho nên, chúng ta muốn trở thành đệ tử của đức Thế tôn, xứng đáng học trò của Thầy tổ, thì chúng ta phải trân trọng, thực tập giữ gìn thanh tịnh Luật Nghi. Khi thực tập sự thanh tịnh này, thì ý niệm xấu khởi lên, ta phải biết nó như chính nó và phải đình trì nó ngay tức khắc; một ý niệm tốt khởi lên, ta phải biết nó như chính nó để nuôi dưỡng và phát triển nó qua đi, đứng, nằm, ngồi, qua ăn uống, quét nhà, thỉnh chuông, tụng kinh, ngồi thiền,…

Điều thứ hai: Niệm thanh tịnh. Chúng ta phải luôn luôn giữ niệm thanh tịnh. Niệm nào khởi lên mà đẩy chúng ta ra khỏi đời sống Xuất sĩ, đời sống Cư sĩ, thì chúng ta phải đình chỉ nó; nếu không đình chỉ nó được, thì hãy để nó đi một mình, ta không tùy tục với nó, và rồi tự nó sẽ đình chỉ. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn giữ được niệm thanh tịnh. Nghĩa là ta phải làm như thế nào đời sống Xuất sĩ, đời sống Cư sĩ thật sự có mặt trong trái tim của chúng ta; có mặt trong tâm ý của chúng ta; có mặt trong từng giây phút hiện tiền nơi từng tâm niệm của chúng ta,. Điều ấy là điều Sư ông thường dạy cho chúng ta, gọi là “An trú hiện tại”.  An trú hiện tại, tức là an trú đời sống Xuất gia, đời sống thanh tịnh của những đệ tử Phật, ngay trong từng ý thức hiện tiền của chúng ta. Chúng ta thực tập được như vậy, chúng ta mới biết đến những gì mà Chư Phật đã dạy cho chúng ta, Thầy tổ của chúng ta đã tiếp nối và đang phát triển đến thế hệ chúng ta là con cháu.

Điều thứ ba là căn thanh tịnh: Đệ tử Xuất sĩ và Cư sĩ của đức Thế tôn, luôn luôn sống với sáu căn thanh tịnh. Chúng ta luôn luôn có cái nhìn thanh tịnh, ai không thanh tịnh là chuyện của họ, nhưng đệ tử của Phật phải luôn luôn đem đôi mặt thanh tịnh mà nhìn cuộc đời, nhìn mọi đối tượng; ai nói bậy là chuyện của họ, nhưng đệ tử Xuất sĩ và Cư sĩ của đức Thế tôn không nghe thấy, theo cách ô nhiễm, bởi vì sao? Bởi vì đệ tử của đức Thế tôn có nhĩ  căn thanh tịnh, do có sự phòng hộ của giới hay luật nghi.

Nếu nhĩ căn không có sự phòng hộ của luật nghi thanh tịnh, thì có bao nhiêu âm thanh ô nhiễm, chúng đều đi vào nhĩ căn của chúng ta, nó khuấy động tâm thức chúng ta, khiến cho chúng ta khó mà giữ được tâm ý thanh tịnh. Nên, âm thanh như thế này hay như thế kia là âm thanh của cuộc đời, nhưng chúng ta phải biết lắng nghe những âm thanh đó, bằng nhĩ căn thanh tịnh với sự phòng hộ của giới. Nên, khi chúng ta tiếp xúc với bất cứ đối tượng âm thanh nào, chúng ta phải giữ gìn nhĩ căn và xúc giác của chúng ta, khiến chúng thanh tịnh. Nếu, không giữ gìn nhĩ căn và xúc giác thanh tịnh, chúng ta bị xúc ái khởi lên và kéo chúng ta đi vào thanh ái. Thanh ái tương tác với vô minh và hành, tạo ra cho ta một chuỗi dài sinh tử và nhấn chìm chúng ta trong sinh tử. Ngay đó chúng tạo ra những thách thức với chúng ta. Khi chúng ta có nhĩ căn và xúc giác thanh tịnh, thì những âm thanh ô nhiễm của thế gian, chúng chỉ là chuyện của thế gian, không dính gì đến chuyện của người Xuất gia và Cư sĩ đệ tử của đức Thế tôn.

Có điều này, tôi thấy rất vui là khi tôi xuống phi trường, mới bước ra khỏi cổng cùng với HT Minh Nghĩa và quý Thầy, khi ấy có một cô Phật tử chạy tới và nói : “Ôn lâu ngày quá, Ôn cho con ôm Ôn một cái”. Tôi chưa kịp nói gì, thì cô ấy đã ôm tôi. Cô ấy ôm tôi là chuyện của Cô ấy. Nhưng cảm giác thanh tịnh là chuyện của tôi. Khi cô ấy ôm mình, mà mình có cảm giác bất tịnh là lỗi thuộc về mình, chứ không phải thuộc về cô ấy. Nhưng may, khi ấy tôi hoàn toàn ở trong sự tỉnh giác và chánh niệm.

Cho nên, tu tập chúng ta phải luôn luôn giữ sáu căn thanh tịnh bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, và bất cứ với ai. Giữ gìn sáu căn thanh tịnh như vậy. Sư ông Làng Mai nhấn mạnh đó là Chánh niệm; Sư Ông Minh Châu nhấn mạnh đó là Tỉnh giác. các vị Thiền sự hiện đại cũng nhấn mạnh điều này đến các thiền sinh, đang thực tập tại các trung tâm tu học Vipassana. Cho nên, điều thứ ba chúng ta phải luôn luôn giữ sáu căn thanh tịnh.

Điều thứ tư là Mạng thanh tịnh: Nghĩa là nuôi dưỡng sinh mạng thanh tịnh. Nếp sống Xuất sĩ, nếp sống Cư sĩ cao quý nhất là nếp sống Thiểu dục Tri túc , An bần Thủ đạo, Duy tuệ thị nghiệp. Chúng ta không lấy được trí tuệ làm sự nghiệp, vì chúng ta lấy nghiệp đời làm sự nghiệp. Chúng ta lấy sinh tử làm sự nghiệp. Do chạy theo nghiệp sinh tử, cho nên nghiệp sinh tử làm trở ngại sự nghiệp xuất gia của chúng ta, khiến cho chúng ta quên đời sống Xuất sĩ, Cư sĩ, đệ tử của Phật là lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chứ không phải lấy chức tước, bổng lộc , học vị, học hàm của thế gian mà làm sự nghiệp.

Đệ tử của đức Thế tôn là nuôi dưỡng sinh mệnh bằng đời sống Chánh Pháp. Ăn  mặc, ở, đều biết vừa đủ. Ăn no sinh ra hôn trầm làm sao thiền tập được; ăn đói thì tâm niệm luôn luôn nghĩ tới ăn, khiến trạo cử làm sao mà thiền tập để có Chánh niệm và tỉnh giác?

Cho nên, bốn sự thanh tịnh này chúng ta phải thực tập một cách tinh cẩn, khiến các Thánh quả giải thoát, sẽ có mặt với chúng ta ngay trong đời này, ngay trong thân năm uẩn này, chứ không cần phải đi tìm đâu xa.

Khi ta có bốn sự thanh tịnh này trong đời sống, thì tình Huynh đệ của chúng ta mới là tình Huynh đệ trong sáng, tình Pháp lữ chúng ta mới là tình Pháp lữ chân thật, chứ không phải là những thứ tình cảm “đầu môi chót lưỡi”.  Và nếp sống hạnh phúc, an lành chúng ta là nếp sống có thật, chứ không phải là mơ ước hay những khẩu hiệu.

Đó là những điều chúng tôi chia sẻ đến với hàng Xuất sĩ, Cư sĩ đang có mặt trong pháp hội này và cầu nguyện Tam bảo chứng minh; cầu nguyện Giác linh Sư ông hiện tiền chứng minh; cầu nguyện chư Tôn đức luôn luôn mạnh khỏe, để làm tàng cây cho thế hệ con cháu của mình và cầu nguyện cho tất cả thế hệ tiếp nối, luôn luôn giữ gìn bốn sự thanh tịnh này, để Trời đã quang thì càng quang thêm; Trăng đã tỏ, thì càng tỏ thêm, khiến cho tất cả chúng ta thấy rõ điểm đến, thấy rõ đường đi và thấy rõ tất cả việc cần làm của chúng ta cần làm.

Kính chúc Đại chúng thực tập thành công!

Nam Mô A Di Đà Phật.

Đệ tử: Trần Thị Phượng Liên – Nhuận Pháp Nguyên kính phiên tả.

Sài gòn, 10.03.2024 – 01.02. Giáp Thìn , PL 2567.