Ba câu hỏi Richard Gombrich

Vị giáo sự xuất sắc của trường Đại học Oxford (*) quả quyết là có thể hiểu biết lịch sử về Đấng Giác ngộ và tư tưởng của Ngài.

Tạp chí Người quan sát mớiNhững kinh sách nói về cuộc đời của Đức Phật, viết bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Pali hay tiếng Phạn thường là những mẩu chuyện rời rạc và có nhiều cách kể khác nhau. Dù thế đi nữa, chúng ta có thể có một ý tưởng về cuộc đời và tư tưởng của Đức Phật hay không ?

R.G : Câu trả lời của tôi là có, mặc dù các trường Đại học của Mỹ thường vẫn cho rằng Đức Phật đơn giản là không thể biết được. Một số người còn đi tới chỗ thắc mắc về sự tồn tại của Ngài, hoặc nghi ngờ tính chân xác của những bản kinh sách. Nói tóm lại, nếu nghe họ, người ta không thể khẳng định rằng có thể  nghiên cứu đạo Phật từ thủa sơ khai… Vả lại từ 15 năm nay, chúng ta đã không còn thấy những công trình nghiên cứu về tiểu sử của Đức Phật nữa – trừ ở các sinh viên của tôi. Ấy vậy mà, nếu như những nguồn thông tin về đạo Phật không được phong phú như trong đạo Cơ đốc chẳng hạn, thì chúng cũng không đến nỗi là không có gì. Kinh điển bằng tiếng Phạn chắc chắn là rất thiếu thốn : 90% các bản kinh bằng ngôn ngữ gốc đã bị thất lạc (hoặc chỉ còn tồn tại dưới dạng các bản dịch), song ngày nay, người ta tìm thấy rất nhiều tài liệu chưa được biết tới trong các tu viện Tây Tạng. Ngược lại, kinh điển bằng tiếng Pali được viết tại Sri Lanka vào thế kỷ I trước CN là một nguồn đáng tin cậy, bởi lẽ nhờ vào một môi trường rất bảo thủ nên nó được coi như một bảo tàng của Phật giáo nguyên thuỷ. Việc nghiên cứu các kinh sách đó bằng tiếng gốc của chúng cho chúng ta vô số thông tin có giá trị.

Tạp chí Người quan sát mới : Những kinh sách đó cho chúng ta biết thêm điều gì ? 

R.G : Khi so sánh các kinh sách của Phật giáo và những kinh sách của các dòng tôn giáo đương thời khác như Vệ đà và Giai-na, tôi đã phát hiện ra rằng Đức Phật không chỉ thông hiểu những kinh sách của các đối thủ của mình, mà Ngài còn tỏ ra rất khôi hài khi bình luận về chúng. Tính hài hước ấy, các đệ tử của Ngài không cảm nhận được do họ quá sùng kính Ngài và đã viết lại một cách quá cứng nhắc những lời Ngài nói… Khái niệm về Nghiệp báo của đạo Giai-na được Ngài tranh luận thật cuốn hút. Tôi đồng ý với các vị, Ngài nói, về một nghiệp báo tốt hoặc một nghiệp báo xấu. Song nghiệp báo không phải là một kiểu bụi bặm che phủ tâm hồn như các vị tưởng. Nó là một tiến trình năng động, không hoàn toàn bị quy định, cũng không hoàn toàn tùy tiện, mà để cho con người hoàn toàn tự do và chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Thật dũng liệt làm sao khi khẳng định trong một nước Ấn Độ cổ đại rằng mỗi người là chủ vận mệnh của mình !

Tạp chí Người quan sát mớiLàm sao mà Đức Phật có được một tư tưởng tự do đến thế ?

 R.G : Chắc chắn Ngài là một trí tuệ vĩ đại đã được rèn luyện rất nhiều để làm chín muồi tư tưởng của mình. Một điểm quan trọng nữa là Ngài thông hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau thời đó. Trong các nước ở miền tây bắc Ấn (có thể là nước Ba tư), Ngài nói, chỉ có hai tầng lớp người : chủ và tớ, và tình trạng này có thể thay đổi được. Chắc chắn điều này đã giúp Ngài hiểu ra rằng chế độ đẳng cấp, và kèm theo nó là quan điểm của Bà la môn giáo về xã hội, chỉ là một sự sắp đặt có thể phải được tranh luận. Sự phê phán của Ngài thực sự là rốt ráo :  Đức Phật đã phê phán những lễ hiến tế của những người Bà la môn căn cứ vào bạo lực họ gây ra, Ngài đập tan quan điểm của họ về linh hồn. Và trước thái độ kiêu hãnh về địa vị tối cao của họ, Ngài khẳng định mạnh mẽ rằng mọi người đều bình đẳng. Có thể đó là một trong những lý do để thông điệp của Đức Phật trường tồn một cách đáng kinh ngạc.

                                                                   Bài phỏng vấn của Ursula Gauthier