Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cùng tất cả anh chị em BHD Quảng Nam;
Và toàn thể thành viên tham dự hội thảo cùng quý vị quan khách quý mến.
Đáp ứng lời thỉnh cầu của chị Kiều Chinh, Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Nam, cũng như Ban tổ chức Hội thảo ngành nữ GĐPT Quảng Nam, vì sự duyên, tôi không thể trực tiếp chứng minh buổi Hội thảo cho quý vị được.
Tuy nhiên, nơi trú xứ chùa Phước duyên, Thành phố Huế, Tôi nhất tâm cầu nguyện cho buổi Hội thảo của quý vị được thành tựu tốt đẹp, đúng như sở nguyện của Ban Tổ Chức và các đại biểu tham dự.
Và sau đây, tôi có bài pháp thoại Người nữ trong Phật giáo và người nữ huynh trưởng đối với Tổ chức GĐPTVN, gửi đến quý vị xin chia sẻ những điểm như sau:
* Cách Nhìn về giới tính :
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh là chân lý do tự thân đức Phật chứng ngộ và tuyên thuyết. Chính sự chứng ngộ và tuyên thuyết chân lý này, khiến đức Phật là hiện thân của sự cao quý và có tình thương bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, phương sở, chủng tộc và giới tính. Và giáo pháp của ngài tuyên bố là vì lợi ích và an lạc cho hết thảy chúng sanh mà không vì một riêng ai, không riêng cho một giai cấp hay một chủng tính hoặc giới tính nào.
Tuy, hết thảy chúng sanh do vọng tưởng sai biệt, khởi ý và tác nghiệp khác nhau, khiến chúng sanh thọ báo qua nhiều hình tướng khác nhau, nhưng tất cả đều có một nỗi đau chung, đó là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, thương yêu mà phải bị xa lìa, oán thù mà phải bị gặp gỡ, mơ ước mà không thành, thân năm uẩn xung đột, biến dị và bị hoại diệt trong từng khoảnh khắc. Nên, giáo pháp đức Phật dạy là để trị liệu và chuyển hóa bệnh nghiệp cho hết thảy chúng sanh. Tùy theo nghiệp bệnh hay nghiệp sinh tử của chúng sanh mà đức Phật thiết lập giáo pháp để trị liệu và chuyển hóa. “Nước của trăm sông đổ về biển cả chỉ có một vị mặn. Giáo pháp của đức Phật dạy, tuy có vô lượng pháp môn, nhưng tất cả đều quy về một tánh chất là giác ngộ sinh tử và giải thoát khổ đau”.
Khổ đau đã không chừa một ai trong cõi sinh tử, thì hết thảy chúng sanh trong cõi sinh tử, ai cũng có quyền hướng tới Niết bàn để tìm cầu giải thoát sinh tử, không kể giới tính nào. Nên, mọi chúng sinh, mọi giới tính đều bình đẳng trước con mắt giác ngộ và tâm từ bi của đấng Thế Tôn.
Đó là cách nhìn Phật tính bình đẳng trong mọi giới tính nam nữ của Phật giáo.
* Người nữ trong Phật giáo :
Nền tảng giới pháp của Phật giáo là giới Ưu-bà-tắt và Ưu-bà-di hay còn gọi là Cận sự giới. Ấy là giới pháp đặt nền tảng cho người Phật tử học đạo, không kể nam hay nữ. Người nam thọ và hành trì giới này, gọi là Ưu-bà-tắt hay Cận sự nam. Nghĩa là người nam thọ trì giới pháp này là gần gủi Tam bảo để học hỏi và phụng hành Phật pháp, hộ trì Tam bảo. Người nữ thọ và hành trì giới này, gọi là Ưu-bà-di hay Cận sự nữ. Nghĩa là người nữ thọ trì giới pháp này là để gần gủi Tam bảo, học hỏi và phụng hành Phật pháp, hộ trì Tam bảo. Nên, cả nam và nữ mỗi khi thọ trì giới pháp này đều trở thành một phần thân thể của Phật pháp và đều có thể bình đẳng đối với tâm hạnh phụng sự Tam bảo.
Nên, đối với Ba pháp quy y và Năm giới cấm này, cả nam và nữ đều bình đẳng thọ trì như nhau và quả vị an lạc giải thoát do sự hành trì giới pháp này đem lại cũng bình đẳng như nhau và ai cũng có quyền tu học để giải thoát khổ đau, nếu họ muốn.
Bởi vậy, bước đầu nhập đạo, thọ trì giới pháp người nữ bình đẳng đối với nam giới. Ấy là một trong những tính chất bình đẳng giữa nam và nữ ở trong Phật giáo.
Và trong hệ thống giới học Thanh văn, cao nhất là cụ túc giới, người nữ cũng có thể thọ trì giới pháp này để trở thành Tỷ kheo ni giới, sống đời sống phạm hạnh và trở thành thành viên chính thức của Tăng như Tỷ kheo Tăng. Trong đời sống giải thoát, Tỷ kheo ni cũng có thể tu tập và chứng Thánh quả A-la-hán như Tỷ kheo tăng.
Trong hệ thống giới học Bồ tát, người nữ cũng có thể phát bồ đề tâm thọ trì giới pháp này, hành bồ tát đạo, đến khi đầy đủ nhân duyên, đều có thể trở thành bậc Vô thượng bồ đề trong tương lai. Mục đích tu học của hai giới tính nam nữ đệ tử của đức Phật chỉ là một, nhưng phương tiện và điều kiện để đạt đến mục đích ấy là tùy theo nghiệp duyên khiến, nhanh chậm có khác nhau.
Qua các hệ thống giới học Phật giáo như thế, cho ta một cách nhìn xuyên suốt về vị trí người nữ ở trong Phật giáo nói chung và vị trí của người nữ ở trong GĐPT nói riêng.
* Người nữ trong Tổ chức áo Lam :
Phần nhiều Phật giáo của các quốc gia thuộc truyền thống Thượng tọa bộ chọn màu trắng làm màu áo cho hàng cư sĩ, nhưng Phật giáo Việt Nam đã chọn màu lam làm màu áo cho hàng cư sĩ nói chung và cho Tổ chức GĐPT nói riêng.
Tổ chức GĐPT chọn màu lam làm sắc phục cho đoàn thể của mình có ý nghĩa gì? Nó có ý nghĩa trung đạo. Vì sao? Vì màu lam không chói chang lòe loẹt như màu đỏ, không sang trọng như màu vàng, không non nớt như màu xanh lá cây, không dễ bị nhớp như màu trắng, không khó tẩy sạch như màu đen. Nó là màu dịu hiền không sang mà cũng không hèn, không dễ mà cũng không khó, nó là màu sắc trung đạo giữa các màu. Do đó, Tổ chức GĐPT đã chọn màu này làm sắc phục cho tổ chức của mình, nên gọi là Tổ chức người áo Lam.
Tổ chức này là một tổ chức rất đặt biệt của Phật giáo Việt Nam, với mục đích: “Giáo dục thanh thiếu đồng niên, thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
Với mục đích của tổ chức như vậy, nên những người nữ trong tổ chức này, tự thân đã là một nhà giáo dục mô phạm, mẫu mực và có trách nhiệm rất cao đối với tổ chức áo Lam.
Trách nhiệm ấy chính là sự tự nguyện, tự giác mà hoàn toàn không phải áp đặt.
Tự nguyện đến với đạo Phật, tự nguyện học đạo Phật, tự nguyện thực hành đạo Phật, tự nguyện Phật hóa gia đình và xã hội theo tinh thần đạo Phật.
Vì là tự nguyện, người nữ Phật tử áo Lam, phải tự nguyện tuân phục Nội Quy và Quy Chế của GĐPTVN, đặt mình trong sự huấn luyện và tu học theo quy chế của Tổ chức này.
Trách nhiệm của một nữ huynh trưởng cấp Tập là chịu trách nhiệm sự suy thịnh của một đoàn. Trách nhiệm của một nữ huynh trưởng cấp Tín là chịu sự thịnh suy của một Liên đoàn. Trách nhiệm của một nữ huynh trưởng cấp Tấn là chịu trách nhiệm thịnh suy GĐPT của một tỉnh hay một thành phố. Trách nhiệm của một nữ huynh trưởng cấp Dũng là chịu trách nhiệm thịnh suy GĐPT của cấp quốc gia.
Trách nhiệm ấy gắn liền với cuộc đời của người nữ huynh trưởng áo Lam bằng tinh thần tự nguyện qua những trại huấn luyện và trong các buổi lễ phát nguyện và truyền đăng từ Tam bảo với sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng già.
Phát nguyện là sức mạnh của sự tự nguyện và đưa trách nhiệm của người nữ huynh trưởng đạt tới thành công đối với việc “giáo dục thanh thiếu đồng niên, thành những Phật tử chơn chánh, góp phần xây dựng xã hội, theo tinh thần Phật giáo”.
Muốn đạt tới sự thành công này, người nữ huynh trưởng áo Lam cần lưu ý đến những điểm như sau:
- Dĩ thân tác chứng: Phải biết lấy đời sống tu thân hành thiện của mình làm chứng cứ, làm gương cho những đối tượng mà mình giáo dục. Dĩ thân tác chứng là bài học linh hoạt và sống động nhất, và nó có giá trị cao nhất hơn bất cứ bài học nào từ học đường hay sách vỡ.
- Trí bi song vận: Trí tuệ và Từ bi của người nữ huynh trưởng áo Lam phải luôn luôn vận hành, bổ sung cho mọi hành xử của mình để cho lý trí và tình cảm không bị thiên lệch. Nếu thiên lệch về lý trí hay thiên lệch về tình cảm đều khiến cho người nữ huynh trưởng sẽ không thành công đối với trách nhiệm của tổ chức mà mình đã tự nguyện gánh vác.
- Minh hành hợp nhất: Hiểu biết và hành hoạt phải thống nhất với nhau. Tránh nói hay làm dở, hoặc nói dở làm hay. Vì cả hai đều không làm cho người nữ huynh trưởng áo Lam có khả năng duy trì đoàn của mình do mình chịu trách nhiệm để phát triển lâu dài.
- Chiến lược, chiến thuật: Phải có chiến lược lâu dài cho tổ chức và phải biết vận dụng chiến thuật để thực hiện chiến lược qua từng thời kỳ hay từng giai đoạn và đối với từng đối tượng giáo dục.
- Khinh trọng: Phải biết khinh thường quyền lợi cá nhân và phải biết quý trọng phẩm giá và danh dự của Tổ chức. Phải biết tôn trọng và có trách nhiệm với lời hứa của mình đối với mọi người. Đây là một trong những chất liệu tạo thành danh giá dài lâu của một nữ huynh trưởng của tổ chức áo Lam, khiến cho các tổ chức khác không thể khinh thường tổ chức người áo Lam, khiến cho các phụ huynh tin tưởng và đưa con em đến sinh hoạt với tổ chức.
Thưa quý vị tham dự Hội thảo,
Trên đây là những gì tôi gửi gắm đến quý vị qua bài pháp thoại này, kính mong quý vị lắng nghe và vận dụng một cách đầy thông minh và sáng tạo vào hiện tình của Tổ chức GĐPT VN hiện nay.
Cầu nguyện đức Phật Từ bi gia hộ cho quý vị hội thảo thành công.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Huế, ngày 15/7/2016
Thích Thái Hòa