Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Phật Giáo

Huấn Từ Của Hòa Thượng Thích Thái Hòa Cho Tăng Ni Sinh, Trong Buổi Học Cuối Của Môn Học “Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Phật Giáo” Tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam – Hà Nội

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Cùng toàn thể Tăng Ni Sinh Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội hiện tiền quý mến!

Hôm nay là ngày 13 tháng 11 năm Đinh Dậu nhằm ngày 30-12-2017.
(Là buổi cuối cùng của môn Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Phật Giáo, và cũng là buổi học cuối cùng của các môn Phật học, kết thúc 4 năm Học Viện). Toàn thể Tăng Ni sinh khóa học đã được tham dự rất nhiều buổi học từ chư tôn đức giảng sư, các vị giảng viên trong suốt 4 năm học. 4 năm học đó, chỉ là sự tiếp nối của những năm Trung cấp hay cao đẳng trước đó và nó sẽ mở ra cho quý vị, những năm học tiếp theo của hậu đại học bao gồm chương trình thạc sĩ và tiến sĩ… Nhưng, nếu trong 4 năm học này, mà những Tăng Ni sinh nào, học thiếu tinh cần, thì quý vị khó tiến xa hơn trên sự nghiệp tri thức và lại càng khó tiến xa hơn trên sự nghiệp trí tuệ.

Đó, là sự rủi ro rất lớn trong sự nghiệp đi học của người đi học cả trong Đạo lẫn ngoài Đời. Và thật may mắn thay, hạnh phúc thay, cho những Tăng Ni sinh nào, đã tinh cần trong sự nghiệp học tập của mình, từ khi mình còn là chú tiểu ở với Thầy, sớm hôm đèn sách, kinh kệ, hầu Thầy, luyện tâm, rèn trí. Và rồi, bước tới cửa Phật học, Trung Cấp, cao đẳng và tiếp tục lên Học Viện….

Trong những năm ấy, Quý vị, đã có cơ hội tiếp xúc nhiều nguồn tư tưởng, nhiều nguồn giáo lý từ cơ bản đến thâm sâu, do chư tôn đức trao truyền. Chắc chắn rằng, trong sự trao truyền của chư tôn đức, đã làm cho sự hiểu biết của quý vị trở nên phong phú đa dạng, từ nhiều góc nhìn và nhiều pháp môn tu tập của các Ngài.

Vì vậy, các Tăng Ni Sinh trong khóa học này rất may mắn, rất hạnh phúc. Đó là điều may mắn nhất, quý vị có được trong cuộc đời làm Tăng Ni sinh học Phật.

Chúng ta đến đây không phải chỉ học kiến thức Phật học mà chúng ta còn học sự thực nghiệm của Phật học. Sự thực nghiệm đó có giá trị hay không, ở chính nơi tự thân của mỗi Tăng Ni sinh thực tập và tự biết lấy. Nếu, trong sự thực tập đó mà chưa nhiếp phục được Tham, chưa nhiếp phục được sân, chưa nhiếp phục được si, chưa nhiếp phục được kiêu mạn, chưa nhiếp phục được tâm phóng túng của mình, thì rõ ràng việc học Phật chưa có kết quả, chưa tốt nghiệp dù trong tay cầm mảnh bằng.

Tôi nhắc nhở quý vị cái tốt nghiệp cao nhất của một vị Tăng ni sinh xuất gia tu học, cái Bằng cuối cùng chúng ta đạt được, chính là khi chúng ta kết thúc cuộc đời của chúng ta bằng sự an nhiên thị tịch. Ta phải tuyên bố cho thế giới trời người, cho những đồ chúng của chúng ta biết rằng, 3 ngày nữa ta sẽ viên tịch, 7 ngày nữa ta sẽ viên tịch, 3 tháng nữa ta sẽ viên tịch. Tuyên bố như thế và đúng như thế. Đó là chúng ta tốt nghiệp Bằng (Xuất sắc) của người tu.

Còn, chúng ta cứ tốt nghiệp mảnh Bằng (giấy), thì Bằng nào đi nữa mà chúng ta vẫn cứ mờ mịt trên con đường sinh tử của chúng ta, chúng ta có giàu kiến thức cỡ nào, nói thành thạo bao nhiêu ngôn ngữ đến đâu, mà khi tử thần tới, chúng ta vẫn mờ mịt không biết đường đi, không biết nẻo về thì đó là sự thất bại của người xuất gia, (dù chúng ta đang) ở cương vị nào, học vị nào…

Vì vậy, Phật giáo, giáo dục lý thuyết phải đi đôi với thực hành, lý tưởng phải trở thành thực tế, trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu, chúng ta biến lý thuyết trở thành thực tế, lý tưởng trở thành hành động, Giới- Định- Tuệ của chúng ta không chỉ còn nằm im trên trang sách, mà chính trong toàn bộ bước chân đi của chúng ta, trong toàn bộ cử chỉ hành động của chúng ta đối với thầy ta, đối với anh em chúng ta, đối với đạo pháp của chúng ta, đối với hàng cư sĩ Phật tử của chúng ta.

Đối với mọi người và muôn loài thì chính chất liệu Giới – Định – Tuệ đó nuôi dưỡng chúng ta, trong đời sống giải thoát giác ngộ. Chúng ta làm đúng hoài bão mà đức Thế Tôn ra đời giáo hóa chúng ta. Thầy tổ chúng ta đã tiếp nối ngọn đèn trí tuệ ấy, mà trao truyền cho chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy, môn Lịch Sử Tư Tưởng triết học Phật giáo đến với quý vị cũng chỉ là đốm lửa nhỏ trong kho tàng Phật giáo vĩ đại, mà Tôi chỉ đóng góp vào trong môi trường giáo dục này một mảy may như một hạt muối thả vào giữa biển cả mênh mông.

Cho nên, hôm nay, đứng trước toàn thể Tăng Ni của Học Viện, tôi xin cảm ơn Quý Vị! Nhờ cái chăm chỉ của Quý vị đã động viên Tôi phấn chấn và dạy dỗ không biết mỏi mệt. Nhưng, cũng nhờ cái nghịch ngợm của Quý vị, cái giải đãi của Quý vị, mà Tôi cũng tìm ra được cái vọng tâm trong Tôi để nhắc nhở mình.

Và, Tôi cảm ơn Quý vị! Dù là người chăm chỉ hay là người nghịch ngợm, vì trong cái thuận ấy, trong cái nghịch ấy đều giúp cho Tôi thiền quán sâu sắc những giá trị thanh tịnh, bất tịnh ngay trong môi trường giáo dục này.

Tôi thấy rõ Diệt đế có mặt ngay nơi Khổ đế, Đạo đế có mặt ngay nơi Tập đế để giúp Tập đế hóa giải xan tham, sân hận, si mê, Diệt đế có mặt nơi Khổ đế để Diệt đế mở ra cánh của tự do, giải thoát khỏi sinh tử khổ đau của chúng sinh.

Vì vậy, quý vị học, không đơn thuần chỉ học cho mình, nếu chỉ học cho mình thì chỉ tạo thêm sự chấp ngã, mà trên thế gian này không có cái gì đáng ghét hơn là cái Ngã của chúng ta. Học càng vinh ngã thì chúng ta càng tồi tàn trong sự nghiệp học tập.

Cho nên, chúng ta học để khai thông trí tuệ, để mở đường chúng ta thoát ly sinh tử, để mở đường chúng ta thấy rõ chúng sinh hơn và giúp chúng sinh thoát ly sinh tử. Cái học như thế, Quý vị sẽ đem lại vinh quang cho chính bản thân quý vị. Quý vị đem lại vinh quang cho chính dòng dõi huyết thống của Quý vị. Quý vị, đem lại vinh quang cho Thầy tổ của Quý vị trong dòng dõi tâm linh.

Quý vị học như vậy, sẽ là nguồn suối vô tận đem lại sự an ổn cho thế giới muôn loài. Cho nên, Tôi mong rằng tất cả quý vị phải học, học cho chính mình, học cho mọi người, học cho tất cả chúng sinh, học để xứng đáng là mặc chiếc áo này với nếp sống của Tỳ khiêu, Tỳ khiêu ni… Và trước khi dứt lời, Tôi mong rằng tất cả Quý vị, chúng ta đã có duyên với nhau không phải 1 ngày, 2 ngày, không phải 4 năm, 4 năm ấy nói lên 400 năm, 400 năm về trước nói lên 4 ngàn năm về trước, 4 ngàn năm về trước nói lên 4 triệu năm về trước….Cho nên, chúng ta không phải chỉ gặp nhau mới đây, nếu chỉ gặp nhau mới đây thì chúng ta sẽ không có giờ phút này. Nếu, chỉ gặp nhau mới đây, thì giờ đường ai nấy đi, chẳng có chút giá trị gì dù chúng ta có nói bao nhiêu lời hoa mĩ, chúc tụng tốt đẹp đến đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ là vô ích.

Nhưng, Thầy trò chúng ta không phải vừa gặp nhau mới đây, mới 4 năm hay 400 năm mà chúng ta đã gặp nhau trong dòng sữa chính pháp, trong dòng máu chính pháp của 3 đời 10 chư Phật, chư vị Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng. Hôm nay, Tôi là Thầy của Quí vị, Tôi đứng trên bục giảng, nhưng chắc chắn 40 năm sau Tôi không còn hình hài này, Tôi sẽ tái sinh trở lại và Tôi sẽ đi nhìn từng khuôn mặt này, Tôi xác nhận họ là Thầy của Tôi và Quý vị sẽ đứng trên bục giảng và Tôi sẽ là người ngôi dưới bục giảng làm học trò của Quý vị một cách ngoan hiền, dễ thương, chứ không phải là những đứa học trò vô ơn, vô nghĩa trước khen sau chê.

Cho nên Quý vị hãy nhớ lấy cái Bồ đề tâm của chúng ta. Hễ, Bồ đề tâm còn chúng ta còn tất cả, Bồ đề tâm mất, chúng ta mất tất cả.

Nhân ở nơi đây, Tôi cũng cảm ơn chư Tôn đức Hội đồng điều hành Học viện, biết ơn sâu sắc Hòa thượng Viện Trưởng Thích Thanh Đạt, Thượng tọa Thanh Quyết… các Tăng Ni, Phật tử đã đóng góp, tạo nên Học Viện như ngày hôm nay chúng ta đang đứng. Và đóng góp quan trọng hơn hết xin quý vị hãy đứng cùng chúng tôi tưởng niệm tri ân cố Hòa Thượng Viện trưởng Thích Thanh Tứ, Người đã tận tụy, chịu khó, chịu khổ để chúng ta có được ngôi học Viện này, cho chúng ta được cùng nhau đứng đây chia sẻ giáo pháp với nhau. Và chúng ta phải cảm ơn sâu sắc tới hồn thiêng sông núi nước Nam của chúng ta, chúng ta đến đây đã phá rừng, phá núi, tạo ra sự ồn ào động đến sự yên tĩnh của các vị chư thiên Sơn Thần, Thụ thần ở đây.

Trong đời sống sinh hoạt, có khi chúng ta thanh tịnh, có khi chúng ta bất tịnh, chúng ta sống ở trong Giới đức, Định đức, Tịnh đức thì sự thanh tịnh đó chư thiên, thiện thần, Long thần, địa thần, sơn thần ủng hộ chúng ta… Nhưng, có khi chúng ta đến đây làm những việc bất hảo khiến cho họ cũng giận hờn với chúng ta. Cho nên, kết thúc 4 năm học có điều gì cao quý, tốt đẹp chúng ta dâng lên cúng dàng Tam Bảo, Thầy tổ, các bậc ân đức. Còn những gì chúng ta đã lầm lẫn với nhau, tất cả những nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, chúng ta đã tạo cho nhau trong suốt 4 năm qua, thì chúng ta xin sám hối trước Tam Bảo, trước các vị Thầy của chúng ta, trước các vị tiền công hữu bối, trước hồn thiêng sông núi, trước các vị thần trấn giữ Tăng Già Lam này để cho mỗi chúng ta đều được Thanh tịnh, thảnh thơi. Sau này, chúng ta trở về trụ xứ của mình làm rạng rỡ Phật pháp từ nền tảng của việc học tập ngày hôm nay.

Ni Sinh – Thích Minh Trí kính ghi

A di Đà Phật!

Bạch Hòa thượng! Hôm nay chúng con vừa đi dự lễ tốt nghiệp ở Học Viện về ạ! Cầm trên tay mảnh bằng, nhìn lại ngôi trường và mọi thứ xung quanh con thấy nhớ những buổi đến lớp xưa, con thấy nhớ những tháng ngày yên bình chỉ lo ăn với học. Nhận bằng xong mà con thấy trong lòng bâng khuâng, nhìn lại các bạn bè và các thầy cô, quý giảng sư mà con lại càng thấy nhớ bóng dáng Hòa Thượng, dường như Hòa Thượng vẫn đứng trên bục kia và giảng bài cho chúng con. Rồi c lại mở những đoạn ghi âm từ khi còn đang học ra nghe lại ạ.

Bạch Hòa thượng! Trong buổi kết thúc môn, cũng là kết thúc khóa học, Hòa thượng đã dặn dò chúng con những lời tâm huyết, đây là đoạn ghi âm mỗi khi con buồn con hay mở ra nghe nhất ạ bởi vì mỗi khi nghe lại, con như lại được trở về với buổi học hôm đó, khích lệ con cố gắng hơn, mạnh lẽ hơn.

Vì vậy, con đã nghe ghi âm và đánh máy lại lời dạy của Hòa thượFng, xin Hòa thượng hoan hỷ cho con được gửi tới Hòa thượng và xin Ngài có thể đăng lên trang chùa Phước Duyên được không ạ! Để cho các Bạn ở Học viện và mọi người được đọc. Đọc để nhớ lại thuở học sinh của mình và rồi tự nhắc nhở bản thân qua lời dạy của Hòa hượng!

Bạch Hòa thượng hoan hỷ cho con! Con có thêm 1 số từ con đã để in nghiêng và trong ngoặc đơn a. Nếu thấy không hợp lý xin Hòa thượng bỏ đi và con xin thỉnh Hòa thượng đọc lại, làm cho nó chỉnh chu hơn để chúng con được hiểu hết tâm ý của Hòa thượng qua bài viết ạ!

Con, Thích Minh Trí