Làm Mới Thân Tâm

Pháp thoại: Làm Mới Thân Tâm
(Thầy Thích Thái Hòa giảng)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa TT Phước Huệ và TT Tâm Hiền;

Cùng tất cả Phật tử hiện tiền quý mến;

Hôm nay là ngày mồng 7 tháng 7 năm 2017, tại chùa Từ Đàm, Thành phố Birmingham, Vương quốc Anh. Tôi có nhân duyên gặp hai TT cùng quý vị nam nữ Phật tử hiện tiền trong ngôi Chùa ấm cúng, đạo vị này và nhân đây tôi xin chia sẻ Pháp thoại đến quý vị với đề tài : “Làm mới thân tâm”.

Ngồi ở nơi tâm Bồ đề

Tôi rất vui, khi thấy TT Phước Huệ, TT Tâm Hiền, chư Tăng chùa Từ Đàm và Phật tử cùng giúp nhau tu học, hộ trì Tam Bảo và Hoằng Pháp nơi Xứ người. Tôi biết rằng, khi nhìn ngôi chùa Từ Đàm có mặt ở đây là công tâm và sức lực chịu khó, chịu nhọc của chư Thượng tọa cũng như sự nhiệt tâm, nhiệt tình hộ đạo của các hàng Phật tử ở nơi đây, cho nên chúng ta mới có một ngôi chùa Từ Đàm Việt Nam, trên xứ sở Sương mù này.

Nếu tất cả chúng ta hàng xuất gia hay tại gia đệ tử của đức Thế Tôn, không lập hạnh, không lập nguyện thì ngay cả một viên gạch, một viên ngói cũng không có, chứ đừng nói gì đến những viên gạch liên kết với nhau trở thành bức tường của ngôi Già lam, những viên ngói, gạch đến với nhau trở thành ra:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

Cho nên, khi nhìn vào từng viên đá, từng viên gạch, từng viên ngói, từng chi tiết ở trong ngôi chùa Từ Đàm này, chúng tôi đã nhận ra một điều, cảm nhận một điều rất sâu sắc là tất cả chúng ta đang ngồi ở đây, chúng ta ngồi từ cái tâm nguyện Bồ Đề, từ cái hạnh nguyện Bồ Đề, từ nơi tâm nguyện làm cho Phật Pháp trường tồn, để báo đáp ân đức của Tam Bảo, ân đức của Thầy Tổ, ân đức của Cha Mẹ, Tổ tiên Ông Bà Nội Ngoại, Giang sơn Tổ quốc của chúng ta và ơn đức của mọi người, muôn loài đối với đời sống của chúng ta. Cho nên, hôm nay chúng ta đến với quý vị trong sự biết ơn ấy và chia sẻ bài pháp thoại: “Làm mới thân tâm”.

Hai hạng người làm mới thân tâm

“Làm mới thân tâm” là một từ ngữ được dịch từ nghĩa sám hối. Sám hối tức là làm mới thân tâm của mình và làm cho thân tâm mình mới từ nơi cái cũ, phát triển cái mới. Những con người biết sám hối là những con người biết cầu tiến. Sám hối là những người ý thức được những sự sai lầm của mình trước đó hay trong hiện tại mà khởi tâm sám hối, từ đó chừa bỏ những lỗi lầm trong quá khứ và làm mới lại thân và tâm của mình trong đời sống hiện tại và tiếp tục nuôi dưỡng nó và sẽ gặt những thành quả tốt đẹp, cao quý trong tương lai. Làm mới như vậy không phải người thường mà làm được, làm mới như vậy chỉ có hai hạng người mà trong Kinh đức Phật gọi là hai hạng người có sức mạnh của tàm và quý. Tàm là tự hổ thẹn với người. Quý là hổ thẹn với chính mình.

Hạng thứ nhất: Sống luôn luôn có tàm và quý, nên sợ tội lỗi không làm.

Hạng thứ hai: Sống có tàm và quý, nên sau khi làm việc tội lỗi , phạm vào tội lỗi tự biết xấu hổ với người và với lương tâm của chính mình, nên liền ăn năn, chừa bỏ, phát lộ cầu xin sám hối để chuyển hóa những lầm lỗi trong quá khứ, khắc phục những lỗi lầm trong hiện tại, và tiến bước vững chãi đi đến hạnh phúc, an lạc trong tương lai.

Nên, ở trong đời chỉ có hai hạng người sống có tàm và quý này mới đủ khả năng làm mới thân tâm của mình mỗi ngày.

Làm mới thân tâm mỗi ngày

Trong mười hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, trong đó hạnh nguyện thứ tư là hạnh nguyện thực hành sám hối. Cho nên, sống trong đời hễ ai biết sám hối thì người đó có hai chất liệu tàm và quý nghĩa là người ấy biết hổ thẹn với chính mình, mỗi khi mình phạm vào những lầm lỗi và biết hổ thẹn với những người xung quanh mỗi khi mình phạm vào những lầm lỗi. Những lầm lỗi từ hành động thuộc về thân, lầm lỗi ngay ở những lời nói thuộc về khẩu và lầm lỗi ngay ở nơi những ý nghĩ của mình thuộc về tác ý liên hệ đến phiền não vô minh. Cho nên, chúng ta phải làm mới thân ta mỗi ngày, để việc làm của chúng ta rơi rụng những lầm lỗi ngay trong mỗi hành động. Chúng ta phải làm mới lời nói của chúng ta mỗi ngày để cho những sai lầm rơi rụng ngay trong lời nói của chúng ta; chúng ta phải làm mới tâm ý của chúng ta mỗi ngày, để cho phiền não rơi rụng ngay ở nơi tâm thức của chúng ta. Đó là cách làm mới ba nghiệp của chúng ta mỗi ngày.

Ngài Phổ Hiền ý thức được việc làm mới này, nên Ngài đã phát nguyện thứ tư là sám hối nghiệp chướng. Nếu chúng ta tu tập mà không sám hối những nghiệp chướng của chúng ta, từ hiện tại đến quá khứ thì chính nghiệp chướng đó đã làm trở ngại con đường tu học của chúng ta. Cho nên, chúng ta phải sám hối để cho tất cả chướng ngại thuộc về nghiệp, những chướng ngại thuộc về quả báo, những chướng ngại thuộc về phiền não, những chướng ngại thuộc về oán đối giữa chúng ta và lục đạo chúng sinh đều được giải tỏa, đều được tiêu trừ, đều được hết sạch thì lúc đó chúng ta mới thực hiện được Pháp Quy Y Phật, Pháp Quy Y Pháp, Pháp Quy Y Tăng của chúng ta một cách trọn vẹn. Từ đó, chúng ta mới có khả năng giữ gìn được giới Pháp của chúng ta đã thọ trì từ Ngũ giới, Thập thiện giới , Bồ tát giới hay Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới một cách trọn vẹn .

Và chúng ta có thực hiện được ba Pháp Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng thành tựu hay không là từ nơi sự thực hành phương pháp sám hối của chúng ta mỗi ngày. Bởi vì nghiệp chướng chúng ta làm cho chúng ta bị trở ngại đi đến với Phật, làm chướng ngại chúng ta đi đến với Pháp, làm chướng ngại chúng ta đi đến với Tăng, làm chướng ngại chúng ta đi tới các thiện Pháp an lạc hay Niết bàn. Do đó, chúng ta phải sám hối để cho nghiệp chướng của chúng ta được tiêu trừ, báo chướng của chúng ta cũng đượcchuyển hóa, phiền não chướng từ nơi tâm của chúng ta lắng yên và oán chướng trong đời sống của chúng ta đối với lục đạo chúng sinh hay oán đối giữa lục đạo chúng sinh đối với chúng ta cũng được giải trừ. Nhờ vậy mà chúng ta có cơ hội đi tới với tự tâm thanh tịnh của chúng ta là Tự Quy Y Phật, Tự Quy Y Pháp, Tự Quy Y Tăng để tâm chúng ta luôn luôn ở trong trạng thái an tịnh của Niết bàn.

Vậy, ở giữa đời này có bao nhiêu hạng người biết làm mới thân tâm? Có bốn hạng người:

Hạng người thứ nhất: Có hạng người chỉ biết làm mới thân mà không biết làm mới tâm. Nghĩa là thân sám hối mà tâm không sám hối. Thân thì lạy Phật mà tâm thì vắng mặt trong cái lạy Phật của mình. Cho nên, đối với hạng người này thân sám hối mà tâm không sám hối.

Hạng người thứ hai: Có hạng người chỉ biết làm mới tâm mà không làm mới thân. Nghĩa là tâm nghĩ tới Phật, nghĩ tới sự sám hối mà thân thì không thực hiện điều đó theo tâm của mình, không đủ điều kiện để thực hiện theo tâm. Cho nên, đối với hạng người này tâm làm mới mà thân không làm mới.

Hạng người thứ ba: Có hạng người biết làm mới cả tâm và thân. Nghĩa là thân của họ thì lạy Phật một cách chí thành, chí thiết mà tâm của họ thì cũng tha thiết nhất như với cái thân của họ, đồng hành với cái thân của họ trong khi họ lạy Phật. Cho nên, thân họ lạy Phật bao nhiêu lạy thì tâm của họ cũng có mặt bấy nhiêu trong từng động tác lạy Phật đó của họ.

Có khi thân lạy Phật mà tâm không lạy Phật, thân giúp cho tâm trở về với thân, và có khi tâm lạy Phật mà thân không lạy Phật thì tâm kéo thân về với tâm để theo giây phút đó thân tâm nhất như mà sám hối.

Hạng người thứ tư: Có hạng thân không biết làm mới mà tâm cũng không biết làm mới. Nghĩa là thân đầy bụi bặm, dơ bẩn bởi những nghiệp xấu ác và tâm đầy phiền não. Do đó, đối với người thân không biết làm mới, tâm không biết làm mới, người đó Phật dạy là người đi từ bóng đêm này đi tới bóng đêm khác trong cuộc sống, họ đi từ khổ đau này đi tới sự khổ đau khác trong cuộc sống.

Còn hạng người biết làm mới cả thân và tâm, có nghĩa là họ biết sám hối cả thân và tâm, thân tâm đều nhất như trong pháp sám hối; thân tâm đều cung kính lễ sám thì hạng người này từ nơi ánh sáng hữu hạn, họ bước tới ánh sáng vô cùng. Họ từ cái phước báu của cõi người, tiến lên phước báu của cõi trời. Từ phước báu cõi trời, họ bước lên phước báu của hàng Thanh văn; từ phước báu của hàng Thanh văn, họ tiến tới phước báu của hàng Duyên giác; từ phước báu của hạng Duyên giác, họ bước tới phước báu của hạng Bồ tát; rồi từ phước báu của hạng Bồ tát, họ tiến tới phước báu hoàn hảo của chư Phật. Đó là hạng người biết sám hối cả thân và tâm. Đối với họ, không những đem thân lạy Phật mà còn đem tâm lạy Phật, không những đem thân sám hối mà còn đem tâm sám hối. Thân và tâm của họ luôn luôn có mặt trong nhau để giúp nhau sám hối. Họ sám hối như vậy không có tội nào không tiêu, không có lỗi nào không trừ, không có nghiệp nào không chuyển hóa và không có phiền não nào mà không lắng yên.

Còn nếu chúng ta đem thân sám hối, đem thân làm mới, nhưng tâm chưa làm mới thì phước báu nó đến với chúng ta chỉ được 50% . Nếu chúng ta chỉ đem tâm sám hối, đem tâm làm mới mà thân không làm mới, phước báu đến với chúng ta cũng chỉ được 50%. Còn nếu chúng ta biết đem thân và tâm đều sám hối, đều làm mới thì phước báu đến với chúng ta 100% , chúng giúp chúng ta đi từ sự thăng hoa này đến sự thăng hoa khác; chúng giúp chúng ta đi từ ánh sáng hữu cùng tới ánh sáng vô hạn; từ ánh sáng hữu lượng đi tới ánh sáng vô lượng; từ nơi phước báu hữu biên đi tới phước báu vô biên.

Vậy, quý vị ở trong Đạo tràng này, ưa làm mới thân tâm theo hạng người nào? Chắc chắn mọi người, ai cũng muốn làm mới cả thân và tâm phải không?

Ước muốn trở thành hạng thứ tư đã là khó, nhưng biến ước muốn ấy trở thành hiện thực trong đời sống lại càng khó hơn. Nói được đã là khó, làm được lại càng khó hơn.

Biết kham nhẫn và thông minh

Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sinh trong cõi Diêm phù đề này hở niệm, động chân cất bước là rơi vào sai lầm, tội lỗi”. Vì sao kinh nói như vậy? Bởi vì chúng sinh sống trong phiền não, sống với phiền não, sống với phiền não thì hay sinh ra tội lỗi và từ tội lỗi mà sinh ra nghiệp chướng; từ nghiệp chướng mà sinh ra ra quả báo khổ đau.

Vì sao chúng sinh mở miệng là sai? Vì chúng sinh có thấy được đạo đâu, mà mở miệng nói cho đúng. Không thấy được đạo, không thấy được chân lý mà mở miệng nói là sai. Càng nói là càng sai. Nói theo cách thấy của phàm phu thì làm sao mà đúng với chân lý và thánh nhân được! Nói theo cách thấy của phàm phu là nói để hại người lợi mình, nói như vậy thì càng nói là càng rơi vào tội lỗi. Nghĩa là hở miệng là sai. Nếu một vị tu tập thấy được đạo hay thấy được chân lý, vị ấy mở miệng là đúng, mở miệng là phước đức phát sinh. Vì sao? Vì vị ấy thấy được đạo, thấy được chân lý, nên chỉ nói những gì đưa đến lợi mình, lợi người trong hiện tại và tương lai. Nên họ càng nói là càng đúng, càng mở miệng là phước đức càng sinh ra.

Người thấy được đạo, họ thực hành lạy Phật sám hối, tụng kinh, niệm Phật, trì tụng minh chú, ngồi thiền, làm những công việc lợi ích, hiếu sự với cha mẹ mình, đối xử chân thành với bạn bè, sống thủy chung trong đời sống vợ chồng, họ sống bằng đời sống như vậy thì mỗi ngày tội lỗi của đời họ vơi đi, phước đức trong đời sống của họ tăng lên.

Như vậy, ở xứ sở Sương mù này không phải chỉ có người Việt chúng ta mới vất vả mà người bản xứ cũng vất vả. Vất vả, vì không thấy được đạo, không thấy được chân lý của sự sống, chứ không phải vì không có nền cái nền văn minh vật chất hiện đại. Con người vất vả và khổ là vì không thấy được chân lý của sự sống để sống, chứ không phải thiếu những tiện nghi vật chất. Vì không thấy được chân lý của sự sống, nên con người chạy đua theo máy móc vật chất, nhưng con người không phải là máy móc, con người không phải thuần là vật chất, con người vẫn là con người, vẫn kết cấu từ những yếu tố làm người mà không phải từ những yếu tố máy móc và lại càng không phải chỉ kết cấu bằng những yếu tố thuần vật chất.

Đời sống con người không phải chỉ thuần là vật chất, nhưng con người chạy đua đòi theo vật chất, nên con người càng lúc càng trở nên bận rộn và kết quả do thành quả của con người đem lại bằng tay chân thì chẳng có bao nhiêu so với máy móc.

Chạy đua theo vật chất, người dân bản xứ còn vất vả đến như thế, huống chi là người Việt Nam chúng ta chạy đua theo vật chất trên xứ sở Sương mù này.

Cho nên người bản xứ làm việc 4% , 5% thì người Việt Nam của chúng ta trên xứ sở này phải làm gấp rất nhiều lần so với người bản xứ mới thích ứng được với đời sống vật chất trên xứ sở này. Tuy nhiên, người Phật tử Việt Nam của chúng ta rất thông minh, vừa sống thích ứng với đời sống của dân bản xứ, nhưng vẫn giữ được phong thái của người Việt, biết dành thời gian mỗi nửa tháng về chùa Từ Đàm ở thành phố Birmingham để lạy sám hối, học đạo, thăm Thầy, hộ trì Tam Bảo, ấy là một sự khéo léo, thông minh rất đáng trân trọng.

Nếu nhìn thật sâu sắc, thì giờ phút này là giờ phút đầy phước đức của chúng ta. Vì sao? Vì ở nơi thành phố Birmingham này có mấy ngàn người Việt sinh sống, nhưng lại có một số lượng rất khiêm tốn đang có mặt ở nơi đạo tràng sám hối này, đủ nhân duyên để làm mới thân tâm.

Như vậy, tuy sự có mặt của chúng ta trong đạo tràng này rất khiêm tốn, nhưng chúng ta phải thấy rằng, chúng ta rất may mắn, so với nhiều người khác. Chúng ta phải biết phát khởi tâm Bồ đề thay thế cho những người chưa đủ nhân duyên như chúng ta hôm nay mà lạy Phật giúp họ, làm mới thân tâm giúp họ và hồi hướng những gì tốt đẹp đến cho họ và mong cho họ có một ngày nào đó hội đủ nhân duyên, họ cũng sẽ lạy Phật sám hối làm mới thân tâm như chúng ta hôm nay.

Cho nên, chúng ta đến chùa Từ Đàm ở thành phố Birmingham không phải chỉ lạy Phật sám hối cho riêng chúng ta, mà chúng ta còn lạy Phật sám hối cho tất cả những gì liên hệ với chúng ta. Chúng ta phát Bồ đề tâm lạy Phật sám hối cho hơn sáu ngàn người Việt đang cư trú trên xứ sở Sương mù này, dù họ là đạo Phật hay không phải đạo Phật. Chúng ta còn lạy Phật sám hối cho những người dân ở vương quốc Anh, vì ít nhiều chúng ta đều có nhân duyên với xứ sở này, dù đó là nhân duyên tốt hay xấu. Nếu là nhân duyên tốt thì nguyện xin nuôi dưỡng và nếu là nhân duyên xấu thì nguyện xin chuyển hóa.

Rõ ràng, chúng ta tu tập với tâm Bồ đề, chứ chúng ta không tu tập vì lợi ích bản thân mình mà tu tập là vì lợi ích cho tất cả chúng sinh không phân biệt giới tính, chủng loại hay xứ sở.

Cho nên, chúng ta lạy Phật sám hối làm mới thân tâm là chúng ta không muốn sống trong bóng đêm của tội lỗi, chúng ta muốn từ nơi bóng đêm tội lỗi mà bước ra ánh sáng của Thánh thiện. Chúng ta phải biết rằng, sám hối làm mới cả thân tâm là rất khó, nhưng không phải không làm được, nếu chúng ta biết cố gắng trong sự kham nhẫn và thông minh.

Biết nương theo chư Phật

Chúng ta mỗi ngày phải biết sám hối để làm mới thân tâm của chúng ta và muốn sám hối như vậy có kết quả, thì chúng ta phải làm gì? chúng ta học theo hạnh của đức Phật Tỳ Bà Thi.

Đức Phật Tỳ-bà-thi dạy chúng ta rằng: “Kham nhẫn là khổ hạnh bậc nhất…”. Nhờ kham nhẫn mà chúng ta nhiếp phục được tâm sân hận của chúng ta. Chúng ta phải biết kham nhẫn với những nhu cầu ở trong tâm mình và kham nhẫn với những nhu cầu của thân mình. Chúng ta phải thực hành kham nhẫn với những Pháp của mình đã thọ và hành trì; chúng ta phải biết kham nhẫn với hoàn cảnh mà chúng ta đang sống, kham nhẫn để thực tập hạnh sám hối hay làm mới thân tâm mỗi ngày.

Có khi chúng ta sám hối bằng cách thiết lập một Đạo tràng để lễ sám, nhưng cũng có khi chúng ta sám hối trước bàn thờ Tam Bảo của mình; hoặc có khi chúng ta sám hối trước chư Tăng; hoặc có khi chúng ta sám hối trước một vị Tỷ khưu Tăng; hoặc có khi tự mình sám hối với chính tâm của mình. Chúng ta có rất nhiều phương pháp sám hối để làm mới thân tâm của chúng ta. Điều kiện thuận lợi sám hối bằng cách nào, thì chúng ta thể hiện sám hối của chúng ta ở trong điều kiện ấy. Nhưng mọi phương pháp sám hối đều dựa vào tâm mà sám. Nếu chúng ta sám hối bằng tâm biết hổ thẹn mỗi ngày và chí thành không làm điều xấu ác nữa, thì tội lỗi chúng ta tạo ra trước đó tự giảm thiểu và tiêu diệt.

Nếu chúng ta đợi nửa tháng mới sám hối một lần, thì tội lỗi chồng chất lên, và có người không phải nửa tháng mà một tháng mới sám hối một lần; hoặc có những vị trải qua nhiều tháng, nhiều năm, nhiều đời kiếp mới sám hối thì tội lỗi rất khó mà tiêu diệt.

Cho nên, chúng ta cần phải thực tập hạnh sám hối mỗi ngày, ở trong sự tỉnh giác. Nghĩa là mọi hành hoạt trong đời sống hàng ngày, chúng ta là Phật tử, chúng ta phải lấy ba pháp Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng làm tiêu chuẩn, làm nơi y cứ để hành hoạt. Hễ bị lệch hướng ba pháp này là phải quay về điều chỉnh trở lại cho đúng hướng. Nếu chúng ta giữ giới mà lệch với ba pháp Quy Y Phật, Pháp, Tăng thì phải điều chỉnh việc giữ giới của mình cho thích ứng với ba pháp quy y này.

Cho nên, chúng ta kham nhẫn là để thực hành pháp sám hối mỗi ngày, làm mới thân tâm của chúng ta mỗi ngày. Kham nhẫn là một phép lạ giúp cho chúng ta làm mới thân tâm của chúng ta qua sám hối, lạy Phật, ngồi thiền, niệm Phật, trì tụng minh chú…

Mỗi khi chúng ta đứng trước Tam Bảo, xướng lên những danh hiệu của chư Phật để mà sám hối, khiến tự lực của chúng ta phát khởi và nó tương ứng với tha lực của các Ngài. Chư Phật đến với chúng ta từ bản nguyện thì chúng ta cũng từ nơi ý thức tự nguyện để đi đến với các Ngài, khiến hai nguyện lực ấy gặp nhau, tương thích với nhau và sẽ hỗ trợ cho nhau không thể nghĩ bàn.

Nếu chúng ta không có ý thức tự nguyện, thì bản nguyện của các Ngài vốn có đó cũng như không đối với chúng ta. Nên, chúng ta cần có ý thức tự nguyện thì mới thích ứng được với bản nguyện của các vị Bồ tát và chư Phật. Chỉ có bản nguyện của chư Phật mà không có ý thức tự nguyện của chúng ta thì sám hối của chúng ta khó thành và chỉ có tự nguyện mà không có bản nguyện thì tự nguyện của chúng ta cũng khó thành. Vì sao? Vì chúng ta còn ở trong phàm phu, nên tự lực khó thành. Nên, việc sám hối làm mới thân tâm vừa có tự lực hay tự nguyện, vừa có tha lực hay bản nguyện tương tác hỗ trợ nhau, khiến việc làm mới thân tâm của chúng ta rất dễ thành tựu.

Đức Phật Tỳ-bà-thi dạy chúng ta làm mới thân tâm bằng hạnh “kham nhẫn”, nhưng đức Phật Thi-khí lại dạy chúng ta làm mới thân tâm bằng “minh nhãn”. Minh nhãn là đôi mắt sáng, đôi mắt của tuệ giác. Chúng ta làm bất cứ điều gì bằng đôi mắt tuệ giác, thì không rơi vào những sai lầm, tội lỗi.

Đức Phật Thi-khí dạy cho chúng ta: “Ví như người có mắt sáng, tránh được lối hiểm nghèo, người thông minh trong đời, tránh xa những xấu ác”. Mắt sáng là nhờ tâm sáng. Tâm sáng là nhờ thực hành thiền định nhiếp phục phiền não. Do phiền não được nhiếp phục, nên căn bản của điều ác không sinh, tuệ giác phát sinh thấy rõ con đường sinh tử là con đường bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết. Con đường ấy bị tác động bởi ái nghiệp, bởi ác nghiệp.

Vì vậy, chúng ta làm mới thân tâm bằng “minh nhãn” thông qua thiền định. Chúng ta hễ sám hối thì tâm luôn luôn ở trong thiền định và từ nơi thiền định mà chúng ta nhiếp phục được ái nghiệp và ác nghiệp của chúng ta. Do ác nghiệp bị nhiếp phục, nên chúng ta tránh được đường hiểm sinh tử.

Như vậy, chúng ta sám hối hay làm mới thân tâm phải bằng “minh nhãn”. Muốn có “minh nhãn”, thì chúng ta phải ở trong thiền định và muốn có thiền định thì chúng ta phải thường trú ở trong giới. Chúng ta ở trong giới, thì điều ác tự xa lìa và điều thiện tự thành tựu.

Đức Phật Tỳ-xá-phù dạy cho chúng ta làm mới thân tâm, thì nên “buông bỏ tâm ganh tỵ và tật đố; thực hành giới thanh tịnh, ăn uống biết vừa đủ, sống ở nơi nhàn tịnh, tinh cần với niềm vui ở trong thiền định”.

Tâm ganh tỵ, tâm tham lam, tâm biếng nhác, tâm xáo động làm cho chúng ta vào ra, lui tới hoài ở trong sinh tử khổ đau. Nên, Ngài dạy chúng ta buông bỏ những loại phiền não ấy đi, để tâm được thanh tịnh. Thực tập buông bỏ những hạt giống xấu ấy nơi tâm ta mỗi ngày, chính là mỗi ngày chúng ta làm mới thân tâm của chúng ta.

Đức Phật Câu-lưu-tôn dạy chúng ta làm mới thân tâm mỗi ngày bằng cách “không nhìn lỗi người, tự quán sát lấy tâm mình”.

Không nhìn lỗi người, bởi vì nhân duyên của người khác, không phải là nhân duyên của mình, hoàn cảnh của người khác, không phải là hoàn cảnh của mình, nghiệp báo của người khác, không phải là nghiệp báo của mình, nên chúng ta đứng ở nơi điều kiện, nhân duyên, hoàn cảnh, nghiệp báo của chúng ta mà phê bình nhân duyên, nghiệp quả của người khác là không chính xác, không đúng mà chỉ sinh ra phiền não cho mình mà thôi.

Nên, ngài Câu-lưu-tôn dạy không nhìn lỗi của người làm hay không làm mà nên quán sát thân tâm của mình đã làm cái gì và không nên làm cái gì. Với cách “tự quán chiếu thân hành” của ngài Câu-lưu-tôn dạy như vậy, cũng là cách làm mới thân tâm của chúng ta mỗi ngày, cũng là phương pháp sám hối của chúng ta mỗi ngày rất tích cực. Mỗi ngày từ khi mở mắt vào buổi sáng, cho đến khi nhắm mắt vào buổi tối, chúng ta luôn luôn tự quán sát thân tâm của chúng ta, cái gì đã đổi mới và cái gì chưa đổi mới, để nuôi dưỡng những cái tốt đẹp mà thân tâm đã đổi mới và chuyển hóa những cái cũ không tốt đẹp mà thân tâm chưa đổi mới.

Đức Phật Câu–na-hàm-mâu-ni cũng dạy cho chúng ta phương pháp tu tập sám hối hay làm mới thân tâm bằng , phương pháp sám hối “tinh cần ở trong Thánh pháp”. Tinh cần ở trong Thánh pháp thì chuyển hóa được tâm buông lung và buông bỏ được những khổ đâu sầu muộn do ái nghiệp đem lại. Nói cách khác, tinh cần thực tập Chánh tinh tấn ở trong Bát chánh đạo, thì mọi điều ác đều được nhiếp phục và mọi điều lành đều được sinh khởi. Nghĩa là sám hối, chính là làm cho điều ác đã sinh liền diệt; điều ác chưa sinh thì không thể sinh; điều thiện đã sinh thì làm cho tăng trưởng, điều thiện chưa sinh thì làm cho chúng không thể sinh.

Như vậy, đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni dạy cho chúng ta sám hối là buông bỏ những hạt giống ái nghiệp ở nơi tâm chúng ta, buông bỏ những hạt giống ngã ái nơi tâm chúng ta. Nên, buông bỏ mọi hạt giống chấp ngã thì thân tâm của chúng ta mới có cơ hội đổi mới.

Đức Phật Ca-diếp dạy chúng ta muốn làm mới thân tâm, thì phải giữ tâm trong sạch, gọi là “tự tịnh kỳ ý”. Tâm ý tự thanh tịnh, thì điều ác không thể xảy ra ở nơi thân và ngữ của chúng ta và mọi điều thiện đều có điều kiện tập hợp để sinh khởi trong đời sống của chúng ta. Giới học Phật giáo có tác dụng làm cho điều ác không sinh khởi và làm cho điều thiện sinh khởi. Tự tịnh kỳ ý là thiền định, nhờ thiền định mà mọi xấu ác nơi tâm ý đều được nhiếp phục.

Nên, muốn làm mới thân tâm thì phải thực tập giới ở trong định và thực tập định ở trong giới. Do giới và định tương tác hỗ trợ với nhau mà các phiền não nơi tâm được nhiếp phục, khiến tâm thanh tịnh từ cạn đến sâu, từ toàn thể đến nhất điểm, chúng làm nền tảng cho tuệ sinh khởi.

Nên, đổi mới thân tâm bằng con đường của giới, định và tuệ. Sám hối, giải trừ mọi oán đối, nghiệp chướng, tội chướng cũng từ nơi con đường này. Chính từ nơi con đường này mà các đạo tràng sám hối trong Phật giáo được thiết lập.

Đức Phật Thích-ca dạy làm mới thân tâm là làm cho ba nghiệp thanh tịnh, gọi là “tam nghiệp đạo tịnh”.

Tam nghiệp đạo tịnh là làm cho thanh tịnh ba nghiệp thuộc về thân, ngữ và ý.

Nên, làm mới thân tâm là đổi mới ba nghiệp từ nhiễm ô sang thanh tịnh; từ phiền não sang bồ đề; từ sinh tử sang niết bàn. Chúng ta phải tự tu tập, sám hối, để làm mới ba nghiệp của chúng ta mỗi ngày.

Nền tảng của sự đổi mới

Vua Trần Nhân Tông khi xuất gia có sự giác ngộ sâu xa đối với Phật pháp liềnđăng Pháp tòa mà khai thị cho Đại chúng, trong Đại chúng có vị hỏi: Phật Pháp Tăng là gì ? Ngài giải thích như trước đó Ngài đã từng giải thích. Vị Tăng kia nói: “Chuyện đó là cũ rồi, sao Ngài cứ nói hoài?”. Bấy giờ ngài Trần Nhân Tông nói: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân”. Nghĩa là “một lần nêulên là một lần mới”.

Khi mình mới bắt đầu Quy y và nói Con Quy y Phật Pháp Tăng và bây giờ mười năm, hai mươi năm thì mình vẫn nói Con Quy y Phật, Con Quy y Pháp, Con Quy y Tăng, cũng cách nói Quy y ấy, nhưng cách nói Con Quy y Phật, Con Quy y Pháp, Quy y Tăng hôm nay, so với 20 năm trước, thì bây giờ vẫn nói y như vậy, nhưng mà cách nói ấy bây giờ rất mới. Nó mới, bởi vì chủng tử Phật, Pháp, Tăng đã được huân tập và nó đã thuần chủng trong tâm thức của ta và khi Phật, Pháp, Tăng đã trở thành chủng tử thuần thục ở trong tâm thức của ta, nên ta lại có cách nhìn mới về những cảm thọ, tri giác và tâm hành nơi chính mình, nơi những người xung quanh mình và ngay nơi thế giới mà mình đang tiếp xúc.

Hôm nay ta vẫn nói ba pháp Quy y Phật Pháp Tăng, ngày mai ta cũng nói ba pháp này, ta cũng thực hành theo ba pháp này, ta cũng sẽ thấy tâm ta đổi mới và ta cũng có cách nhìn rất mới, rất sâu xa đối với ba pháp này.

Nếu chúng ta thực tập pháp Sám hối dựa trên nền tảng Quy y Phật Pháp Tăng, thì mỗi ngày Sám hối của chúng ta, tâm ta cũng có nhiều đổi mới, đổi mới đến nỗi tinh thuần trong sáng, không còn có bất cứ một bợn nhơ nào nữa cả.

Nhờ thực hành pháp Sám hối trên nền tảng Quy y Phật Pháp Tăng, khiến tâm mình tự đổi mới; phiền não không còn điều kiện để sinh ra; nghiệp chướng không còn có cơ hội để biểu hiện; báo chướng tự giảm thiểu. Vì vậy, ngài Trần Nhân Tông nói: “Một lần nêu lên là một lần mới”.

Đi vào hiện đại

Trong mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, đại nguyện thứ tư là “Sám hối nghiệp chướng”. Nghĩa là Bồ tát thực hành pháp Sám hối không phải mỗi tháng, không phải mỗi tuần, không phải mỗi ngày mà Bồ tát sám hối trong từng phút giây hiện tiền bằng tất cả sự tỉnh giác trong mọi hành hoạt, khiến cho mọi hoạt khởi của Thân, Khẩu, Ý không liên hệ phiền não, không rơi vào các ác nghiệp.

Bồ tát không phải chỉ biết Sám hối cho bản thân mình mà còn đại vị cho hết thảy chúng sanh để sám hối nữa. Càng Sám hối thì gốc sinh ra tội lỗi càng tiêu trừ, thiện căn càng lúc càng tăng trưởng, phúc đức sinh ra tai họa tự giảm giảm xuống, chứ không có một thần linh nào đứng phía sau hay đứng trên đời sống của chúng ta để ban phúc giáng họa đến chúng ta. Họa là từ nơi tâm bất thiện của chúng ta sinh khởi. Phước là tự nơi thiện tâm của chúng ta mà biểu hiện.

Vì vậy, chúng ta phải lạy Phật ở trong sự tỉnh giác. Chúng ta thực hành Pháp ở trong sự tỉnh giác. Chúng ta kính trọng và hộ trì Tăng ở trong sự tỉnh giác. Sám hối thiết thực nhất, có khả năng chuyển hóa nghiệp chủng xấu ác của chúng ta nhất là sự thực hành Sám hối với tâm Bồ đề, với nguyện và hạnh Bồ đề, trên nền tảng Quy y Tam Bảo.

Phật là sự giác ngộ toàn hảo và cũ nhất, vì sự giác ngộ ấy vốn có nơi tâm tính của hết thảy chúng sinh từ vô thỉ; và Phật cũng là hiện đại nhất, vì không có sự hiện đại nào hiện đại hơn Phật tính nơi mỗi chúng sinh mà tự thân của mỗi chúng ta khám phá hoài không hết, đo lường mãi nhưng vẫn không cùng, sử dụng mọi lúc, mọi khi cho mọi thành phần xã hội, nhưng không bao giờ cạn kiệt.

Vì vậy, Phật và Phật tính thì lúc nào và ở đâu đối với hết thảy chúng sinh cũng đều là hiện đại. Nên, càng tu theo Phật thì càng mới và càng Sám hối thì càng đi sâu vào cảnh giới mới tinh và hiện đại của Phật.

Niềm tin và trách nhiệm

Mỗi khi ăn cơm, tôi đều chắp tay cung kính và nói: “Con Quy y Phật, Con Quy y Pháp, Con Quy y Tăng; con xin Sám hối tất cả nghiệp chướng của con đã tạo ra do ăn uống đem lại. Nguyện cho tất cả thực phẩm này khi vào trong cơ thể con, khiến cho những người có công phu lao tác tạo nên thực phẩm này, cũng đều biết tu tập chuyển hóa thân tâm, khiến cho họ sống ở đâu cũng an lạc ngay trong đời này và cả đời sau, cũng đem lại nhiều lợi ích cho mọi người và muôn loài”.

Chúng ta ăn bằng Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng, bằng sự Sám hối và biết ân như vậy, khiến nghiệp chướng, tội chướng, báo chướng của chúng ta tiêu trừ, bao nhiêu công đức đều được thành tựu. Chúng ta ăn như vậy, không những có tác dụng chuyển hóa nghiệp lực của chúng ta từ ác sang thiện mà còn chuyển hóa thiện hữu lậu trở thành thiện vô lậu, chuyển hóa nghiệp lực trở thành nguyện lực.

Do đó, Phật tử chúng ta đem pháp Sám hối ứng dụng vào mỗi ngày trong cuộc sống, chứ không phải chỉ mỗi nửa tháng đi đến chùa Sám hối một lần là đủ.

Người Phật tử đúng nghĩa, không phải mỗi nửa tháng đến chùa một lần để sám hối, mà phải đến chùa mỗi ngày để học hỏi và hộ trì Tam Bảo. Bởi, khi Quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới quý báu, người quy y trở thành người Cận sự nam hay Cận sự nữ. Nghĩa là người nam hay người nữ, gần gũi Tam Bảo, gần gũi chúng Tăng để được học hỏi hộ trì Tam Bảo, có trách nhiệm đối với sự thịnh suy của Tam Bảo.

Người có niềm tin đối với Tam Bảo, nhưng chưa có điều kiện để quy y và thọ trì năm giới quý báu, nên họ chỉ đứng ở phạm vi tín đồ Phật giáo, mà chưa thể gọi là Phật tử có trách nhiệm đối với sự thịnh suy của Phật Pháp. Người có trách nhiệm đối với sự thịnh suy của Phật Pháp phải là Phật tử có thọ trì Tam Quy và Ngũ Giới.

Trước khi chấm dứt thời Pháp thoại, tôi rất là biết ơn T.T. Phước Huệ, T.T. Tâm Hiền, vì hai Thượng tọa đã đại diện Tam Bảo, kế thừa mạng mạch của Chư Tổ, rất kham nhẫn mà dựng lên ngôi chùa Từ Đàm tại xứ sở Sương mù này, để làm nơi tu học cho quần chúng Phật tử, đó là điều chúng tôi vô cùng cảm kích, cảm ơn Quý Thầy và đồng thời cũng tán dương tinh thần tu học của các Phật tử đang có mặt ở nơi đây hoặc chưa đủ duyên ở đây, nhưng cũng thường lui tới để hộ trì ngôi Tam Bảo tại đây.

Xin quý vị tinh tấn hơn nữa, dõng mãnh hơn nữa, thương yêu nhau và quý mến nhau hơn nữa để luôn luôn hỗ trợ cho hai Thượng tọa Phước Huệ và Tâm Hiền thực hiện các Phật sự một cách tốt đẹp nơi xứ người. Thầy trò, Tăng Ni và Phật tử đệ tử của đức Thế Tôn, chúng ta luôn có mặt bên nhau và trong nhau để cùng nhau tu học, tạo thành niềm an lạc cho nhân loại và muôn loài chúng sinh, nhằm báo đáp được công ơn của Cha Mẹ, Tổ tiên nội ngoại, công ơn của Giang sơn Tổ quốc ở trong gia đình huyết thống và công ơn của Lịch đại Tổ sư, của gia đình tâm linh. Và chúng ta nguyện dù sinh ra ở đâu, dưới hình thức nào, chúng ta cũng làm con Phật, chúng ta mãi gặp nhau trong hạnh nguyện Từ Bi thực hành Chánh pháp lợi lạc muôn loài.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma ha Tát!

Đệ tử: Nhuận Pháp Nguyên kính phiên tả.