Châu báu trong đời sống của những người đệ tử Phật của chúng ta

Pháp thoại: Châu báu trong đời sống của những người đệ tử Phật của chúng ta
(Thầy Thích Thái Hòa giảng)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa quý vị,

Hôm nay tháng 06 năm 2017, tại chùa Quảng Hương, đất nước Đan Mạch, Tôi có duyên gặp Thượng tọa Giác Thanh, cũng như quý vị Phật tử hôm nay, đây là một nhân duyên lớn, một sự trùng phùng rất lớn.

* Từng có mặt trong nhau

Có một Vị thiền sư nói: “chúng ta biệt ly nhau, từ ngàn vạn kiếp lâu, nhưng chưa từng xa cách, dù một phút giây nào. Chúng ta đối diện nhau, suốt ngày suốt ngày lâu, suốt ngày nhưng không gặp, không bao giờ gặp nhau”.

Chúng ta phải thấy rằng: Sự trùng phùng của chúng ta hôm nay đều đã có nhân duyên rất lớn, chúng ta đã gặp nhau nhiều đời ở trong Phật pháp. Chúng ta đã gặp nhau nhiều đời ở trong dòng máu của con người và chúng ta cũng đã gặp nhau nhiều đời ở trong dòng máu tổ tiên Việt Nam và trong dòng máu của Chánh pháp.

Vì vậy, hôm nay chúng ta có mặt ở đây trong không khí đạo tình này. Nếu chúng ta không gặp nhau trong dòng máu Chánh pháp, chúng ta không gặp nhau trong tình cảm con người, chúng ta không gặp nhau trong tình cảm thiêng liêng của đất nước Việt, thì chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau. Nhưng, hôm nay chúng ta đã gặp nhau, có nghĩa là chúng ta đã từng gặp nhau và hôm nay tiếp tục những chất liệu đạo tình đó, cho nên quý vị nhìn thấy tôi có lạ không? không lạ phải không? Tôi thấy quý vị cũng không có gì lạ cả, vì sao không lạ? Vì chúng ta đã từng gặp nhau, đã từng quen biết nhau. Chúng ta đã từng gặp nhau trong dòng dõi của Chánh pháp, trong tình cảm con người trên trái đất này, chúng ta đã từng gặp nhau trong dòng dõi truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, mà chúng ta thấy gần gũi, không có gì đối ngại, mà không có đối ngại thì không có gì ngại ngùng để không nói với nhau những gì dễ thương nhất, trân quý nhất, giá trị nhất, ý nghĩa nhất, phải không quý vị? Cho nên, hôm nay tôi xin chia sẻ pháp thoại đến với Đại chúng “Châu báu trong đời sống của những người đệ tử Phật chúng ta”.

* Nhận diện và tiếp nhận châu báu

Ở đời ai cũng có châu báu, không có châu báu bằng cách này, thì cũng có châu báu bằng cách khác, không ai nghèo hết, ai cũng giàu hết. Mình có đôi mắt là mình có châu báu rồi, bởi vì có đôi mắt mình mới nhìn thấy được những gì mình cần nhìn thấy, cho nên đôi mắt là châu báu trong đời sống của mỗi chúng ta.

Chúng ta nhìn thấy nhau là một phép lạ. Chúng ta nhìn thấy được cha ta, mẹ ta; chúng ta nhìn thấy được người thương của ta; chúng ta nhìn thấy được con cái của chúng ta; chúng ta nhìn thấy được anh em của chúng ta; chúng ta nhìn thấy đồng loại của chúng ta; chúng ta nhìn thầy tổ tiên của chúng ta; chúng ta nhìn thấy quê hương của chúng ta; chúng ta nhìn thấy được trời xanh mây trắng, tất cả những nhìn thấy này đều làm nên hạnh phúc lớn trong đời sống của chúng ta, nên đôi mắt và cái nhìn thấy của đôi mắt là châu báu của chúng ta.

Để kiểm chứng những hạnh phúc này, xin quý vị có thể hỏi mấy người mù bẩm sinh và người mù do bệnh hoạn là họ muốn gì, điều ước mơ của họ là gì? Và cái gì là hạnh phúc của họ? Chắc chắn, những người mù sẽ trả lời: Họ muốn thấy. Ước mơ của họ là muốn có đôi mắt sáng để thấy. Hạnh phúc của họ là được nhìn thấy những người thân yêu và muôn vật. Nhưng, những ước muốn ấy khó trở thành hiện thực với những người mù. Và hạnh phúc của người mù là thấy, cũng không bao giờ trở thành hiện thực với họ.

Bây giờ, trong đạo tràng này, không có ai ước mơ thấy mà vẫn thấy, vì mình đang có đôi mắt sáng. Đôi mắt sáng đã hiến tặng cho ta cái thấy và nếu chúng ta biết sử dụng cái thấy ấy của đôi mắt sáng bằng chất liệu của trí tuệ và từ bi, bằng chất liệu của bao dung và hỷ xả, thì hạnh phúc của chúng ta không thể nào diễn tả hết. Cho nên, đôi mắt sáng và cái thấy là châu báu vốn có của chúng ta.

Đôi tai là châu báu vốn có của chúng ta. Có những người sinh ra bị điếc bẩm sinh, cho nên họ không nghe được bất cứ âm thanh nào của người thân yêu, của mọi người và muôn vật. Trong lúc đó, chúng ta hiện nay đang có đôi tai là điều kiện để cái nghe biểu hiện, chúng ta đang nghe được âm thanh của những người thân yêu đang muốn nói với mình, mình nghe được âm thanh của người thân mình muốn nói với mình, mà mình không chịu ngồi yên lắng nghe để hiểu và để thương. Nhờ có cái nghe ta mới có cái hiểu và nhờ có cái hiểu ta mới có cái thương, ta mới có sự thông cảm và sẻ chia.

Cho nên, đôi tai của chúng ta có khả năng chế tác ra hạnh phúc cho chúng ta rất nhiều. Hạnh phúc của con người là được nghe và được chia sẻ những gì người khác cần ở nơi chúng ta. Một người không biết lắng nghe, người ấy sẽ không có chất liệu của thương yêu và cảm thông. Vì nghe là để hiểu, cảm thông và chia sẻ. Nghe để biết được người thương của mình đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết được cha mẹ mình đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết được con cái đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết vợ mình đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết chồng mình đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết con cháu đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết quê hương đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết nhân loại hay muôn vật đang cần gì ở nơi mình; nghe để biết đạo pháp đang cần gì ở nơi mình.

Khi chúng ta biết được giá trị của sự nghe như vậy, thì chúng ta thấy mình đang có hạnh phúc, vì mình đang có điều kiện để nghe và cái nghe đang có mặt với mình. Nên, nghe là châu báu của hạnh phúc. Vì vậy mà đức Phật dạy: khi nhìn cái gì thì chúng ta nhìn chúng một cách tinh tế và nhìn cho sâu sắc, chúng ta nghe điều gì thì chúng ta nghe thật yên lắng và nghe thật sâu sắc. Nhờ cái nhìn và cái nghe ấy mà chúng ta thấy được sự thật của khổ và thấy được sự thật nguyên nhân sinh khởi sự khổ.

Thấy và nghe là những điều kiện của hạnh phúc, thì nói năng cũng là một điều kiện của hạnh phúc. Nói được là một hạnh phúc. Dễ gì chúng ta nói được, nếu không có miệng lưỡi, không có thanh quản. Một người câm bẩm sinh, hạnh phúc của họ là nói; ước mơ tha thiết nhất của họ là nói. Nhưng cái nói rất khó xảy ra với họ. Họ ước mơ nói, nhưng không nói được. Họ thấy ai nói được là họ buồn lắm, vì sao? Vì họ không nói được. Người câm phần nhiều đi kèm với điếc.

Như vậy, trong đạo tràng này không có ai bị câm bẩm sinh cả, nên tất cả chúng ta đang có châu báu. Châu báu trong đời sống của chúng ta là cái nói. Những yếu tố tạo nên cái miệng là để giúp ta nói và ăn. Nhưng nếu chúng ta kém phước báo, thì có miệng ta sẽ không nói được và có miệng ta cũng không ăn được.

Nên, chúng ta có cái miệng ăn được, nói được là chúng ta đang có phước báu và chúng ta đang có châu báu. Vì vậy, chúng ta phải biết ăn và biết nói đúng lúc, đúng việc, đúng lẽ phải và đúng với đạo lý, để châu báu vốn có của chúng ta không bị thoái hóa và biến mất. Chúng ta phải biết cách ăn để cái ăn ấy tạo ra bình an và phước đức cho chúng ta. Chúng ta phải biết cách nói, để cách nói ấy tạo ra phước đức và bình an cho chúng ta.

Những bậc Trí đức trong đời thường nhắc nhở chúng ta: “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”. Nghĩa là “bệnh từ nơi miệng mà vào, họa từ nơi miệng mà ra”. Cho nên, cái miệng là châu báu vốn có của tất cả chúng ta, chúng ta phải biết giữ gìn châu báu này bằng sự nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp. Ăn uống đúng như chánh pháp và không ăn uống cũng đúng như chánh pháp.

Chúng ta có thân thể này, đầy đủ đầu mình tay chân để hành hoạt và các quan năng nhận thức là một may mắn lớn và là một hạnh phúc lớn. Ở trong đời có đôi người có tay chân mà không cử động được, nơi đạo tràng này chúng ta đều có tay chân đầy đủ và đều cử động được. Bây giờ chúng ta muốn đi là chúng ta đi; chúng ta muốn đứng là chúng ta đứng, chúng ta muốn nằm là chúng ta nằm, chúng ta muốn ngồi là chúng ta ngồi, chúng ta muốn đưa tay lên là chúng ta đưa tay lên, muốn bỏ tay xuống là chúng ta liền bỏ tay xuống. Tất cả những động tác ấy đều là những động tác của châu báu, vì chúng chế tác ra hạnh phúc cho chúng ta.

Một người bị đột quỵ, một người bị tai biến, bị bán thân bất toại, người đó mơ ước đưa cánh tay lên, nhưng không bao giờ đưa lên được theo ý muốn của họ; người đó muốn đi, nhưng cái đi của họ không thành; họ muốn ngồi những cái ngồi của họ không thành…

Tất cả chúng ta là con của đức Phật, chúng ta thường thực tập tỉnh giác và sống ở trong tỉnh giác, tỉnh giác trong đi đứng nằm ngồi hay trong mọi hành hoạt của chúng ta, để ngay trong mỗi động tác ấy, chúng ta thoát ra khỏi vô minh và thành tựu chất liệu của tuệ giác và từ bi. Vì vậy, những người con của đức Phật không đi theo bản năng, không làm việc theo bản năng mà làm việc theo tuệ giác, không đi theo bản năng mà đi theo tuệ giác.

Nhờ vậy, nên mỗi động tác, mỗi hành hoạt của những người con Phật đều có khả năng bảo hộ châu báu vốn có của mình, không để bị biến hoại, rơi mất mà còn làm tăng trưởng lên, giàu có lên ngay nơi mỗi động tác của mình, đưa tới lợi ích cho mình, cho người đời này và đời sau.

Như vậy, chúng ta có cái thấy, cái nghe, cái ngửi nếm, cái xúc chạm, cái hành hoạt của thân thể và tâm ý là tất cả chúng ta vốn có cái căn bản của châu báu và của phước đức.

* Nhân duyên tốt đẹp nhiều đời

Chúng ta có phước báu, có thiện căn là do chúng ta nhiều đời đã biết tu tập, biết tích lũy những điều tốt đẹp. Cha mẹ, Tổ tiên của chúng ta có phước duyên lớn mới sinh ra chúng ta không bị bệnh tật, có đầy đủ sáu cái quan năng nhận thức.

Cho nên, chúng ta có thân thể toàn vẹn này là do tự thân của chúng ta vốn có phước báu nhiều đời và cha mẹ, tổ tiên của chúng ta cũng có phước báu nhiều đời cùng làm nhân duyên tương tác với nhau, khiến chúng ta sinh ra trong sự toàn hảo về thân thể và tâm hồn.

Chúng ta có được một thân thể hoàn hảo, có được một tâm hồn trong sáng, chúng ta vốn có căn bản của sự hiểu biết, phân biệt rõ ràng giữa chánh và tà, giữa thiện và ác, giữa thấp kém và cao thượng, biết chọn lựa cái đẹp để sống mà không sống theo cái xấu, biết chọn lựa lẽ phải để hành động mà không hành động theo cái phi pháp, biết nghe theo cái đúng mà không nghe theo cái tà vạy, ấy là nhờ ta có phước báu, nhờ ta có căn bản của trí thức.

Nếu chúng ta có căn bản của phước báu, căn bản của tri thức thì trong đời sống của chúng ta mọi hành sử ít gây phiền hà đến những người khác.

Vậy, chúng ta nỗ lực giữ gìn và phát triển những gì tốt đẹp đã có và nỗ lực ngăn ngừa những gì không tốt đẹp đừng để chúng xảy ra trong những suy nghĩ và hành động của chúng ta.

* Nguyện giữ gìn và phát triển

Chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng phước báu của chúng ta bằng cách nương tựa vào đức Phật, nương tựa vào Chánh pháp, nương tựa vào Tăng đoàn, nương tựa vào Thánh giới, để sống và hành hoạt, khiến phước báu vốn có của chúng ta tăng trưởng liên tục, không gián đoạn. Nghĩa là từ phước báu của loài Người, tăng trưởng thành phước báu của chư Thiên; từ phước báu chư Thiên tăng trưởng thành phước báu của bậc Thánh; từ phước báu của các bậc Thánh tăng trưởng thành phước báu của các vị Bồ tát và từ phước báu của các vị Bồ tát tăng trưởng thành phước báu của chư Phật.

Như vậy, trong mỗi chúng ta, ai mà không mong muốn phước báu của mình được tăng trưởng. Muốn như vậy, thì chúng ta nguyện suốt đời nương tựa vào đức Phật. Nương tựa vào đức Phật, nghĩa là nương tựa vào trí tuệ và từ bi của Ngài để làm sáng lên trí tuệ và từ bi ở nơi chính chúng ta, ở ngay nơi thân năm uẩn này và ngay ở đời sống này. Trí tuệ và Từ bi là châu báu của Phật, nên chúng ta nương tựa Phật để chúng ta phát huy và thừa hưởng châu báu ấy ngay ở nơi chính chúng ta. Chúng ta nguyện suốt đời nương tựa Chánh Pháp, vì Chánh pháp là châu báu của sự an lạc và hạnh phúc. Nên, chúng ta nương tựa Chánh Pháp để chế tác ra hạnh phúc và an lạc ngay nơi thân năm uẩn này và ngay nơi đời sống này của chính chúng ta. Chúng ta nguyện suốt đời nương tựa Tăng, vì Tăng là châu báu của sự thanh tịnh và hòa hợp và là phước điền vô thượng. Nên, chúng ta nương tựa Tăng là để ta gieo trồng những hạt giống phước đức và trí tuệ thanh tịnh. Chúng ta nguyện suốt đời nương tựa vào Thánh giới, vì châu báu của giới pháp là giải thoát. Nên, chúng ta nguyện suốt đời nương tựa vào giới pháp để vượt qua sự chấp thủ năm uẩn, vượt qua khổ và tập, đạt đến nơi an toàn, giải thoát cao thượng của Niết bàn.

Vậy, kính chúc Đại chúng thực tập thành tựu châu báu vô lượng và giữ gìn vô lượng châu báu.

Thích Thái Hòa