Huấn từ dịp Lễ Tổng kết năm học 2014 và Khai giảng năm học 2015

Huấn từ của Hòa thượng Thích Thái Hòa, phát biểu vào ngày 04/10/2015, trong dịp lễ khai giảng, niên khóa 2015 – 2016, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, tại Thủ Đô Hà Nội.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội và các Ban ngành trực thuộc;

Thưa quý vị quan khách đại diện Chính phủ và các Ban ngành trực thuộc;

Thưa quý vị Giáo sư, Giảng sư, Giảng viên của Học viện và các trường Đại học liên hệ;

Thưa đồng bào Phật tử các giới;

Cùng toàn thể Tăng Ni sinh Học viện và các sinh viên Y khoa, trường Y Bạch Mai, Hà Nội quý mến!

Tôi đại lao chư Tôn đức hiện diện, xin chia sẻ một vài điều liên hệ đến giáo dục và học tập trong buổi lễ khai giảng này.

Thưa quý vị,

Mục đích giáo dục của PG là dạy cho con người bỏ ác, làm lành, giữ tâm ý trong sạch và đạt đến sự trong sáng của tâm tỉnh giác hoàn toàn để thành Phật, nhằm giáo hóa chúng sanh.

Như vậy, nền giáo dục Phật giáo là nhắm tới phát huy nội lực của tâm, để từ nơi tâm lực mà trí tuệ và từ bi khởi sinh. Không có nội lực, ta sẽ không có sự tự do trong tư duy và chủ quyền trong hành động. Trong lịch sử Việt Nam, thời Lý Trần, phát huy được đạo và giữ được nước là nhờ dựa vào nền giáo dục phát huy nội lực này.

Ở trong Phật giáo, phát huy nội lực có nhiều cách, nhiều phương pháp, nhưng ở đây, tôi chỉ nêu lên bốn phương pháp căn bản:

  • Phương pháp đánh thức và khai phóng: Hạt giống thiện ác, xấu tốt đều có sẵn ở trong tâm chúng sanh. Nên, phương pháp giáo dục Phật giáo là đánh thức và yểm trợ những hạt giống tốt đẹp nơi tâm chúng sanh trổi dậy và phóng những hạt giống tốt đẹp ấy đến chỗ hoàn hảo, đến chỗ không còn bị ô nhiễm, đến chỗ không còn bị những thói hư tật xấu đè nén.
  • Phương pháp thân cận để chỉ bày: Gần gủi chúng sanh qua nhiều hình thức, nhiều nhân duyên khác nhau, để chỉ bày cho chúng sanh, những điều tốt đẹp vốn có ở nơi tâm họ và giúp họ nuôi lớn những hạt giống tốt đẹp ấy, ngay trong đời sống của họ, qua các động tác đi đứng nằm ngồi, làm việc và ứng xử.
  • Phương pháp tự thân giác ngộ: Giúp cho chúng sanh giác ngộ từng phần, để đưa đến toàn phần hay toàn giác. Nghĩa là giúp cho thế giới trời, người thấy rõ nhân quả tốt đẹp của mình và từ nhân quả tốt đẹp ấy, lại phát triển thành những nhân duyên, nhân quả cao hơn, đến chỗ hoàn hảo, đó là nhân quả giác ngộ của một bậc giác ngộ.
  • Phương pháp thể nhập hay sống cùng, sống với: Nghĩa là biến sự hiểu biết trở thành đời sống, biến sự giác ngộ trở thành hành động bỏ ác, làm lành đến chỗ hoàn hảo. Bỏ ác là hành động từ bi và làm lành là hành động của trí tuệ.

Mục đích và phương pháp giáo dục như vậy, mới làm cho Phật pháp trường tồn, quốc gia hưng thịnh, dân sinh an hòa, xã hội bình yên.

Các Tăng Ni sinh quý mến!

Thiên chức của con người là biết suy nghĩ và biết chọn lựa. Quý vị đã biết suy nghĩ và chọn lựa cho mình một đời sống của người xuất gia. Ấy là một sự chọn lựa đúng đắn và cao quý.

Quý vị đã từng nghe các bậc Tổ đức dạy: “Người xuất gia bước đi siêu việt. Tâm chí và hình thức hoàn toàn khác thế tục, tiếp nối và làm hưng thịnh dòng dõi của Phật, nhiếp phục quân ma, để báo đáp bôn ấn, cứu giúp ba cõi”.

Mục đích và chí nguyện của người xuất gia như vậy, quý vị đã chọn lựa có suy nghĩ, có gạn lọc. Vậy, quý vị hãy tinh tấn lên để học hành, tạo thành phẩm chất sáng ngời của người xuất gia học đạo.

Quý vị đừng xuất gia và học hành đối phó mà phải xuất gia bằng tất cả tấm lòng và học hành bằng tất cả sự khát ngưỡng, chân thành. Xuất gia bằng sự đối phó, quý vị sẽ thất bại ngay nơi khởi đầu và học hành đối phó, quý vị sẽ cảm thấy mệt mỏi ngay nơi việc học và việc học sẽ không bao giờ thành công.

Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, điều hành Học viện, các quan khách, cũng như Phật tử các giới sẽ hết lòng yểm trợ để cho các Tăng Ni sinh thành tựu chí nguyện xuất gia học đạo của mình. Chí nguyện và sở cầu tu học của quý vị luôn luôn có mặt ở trong tâm của các ngài, của quý vị quan khách và Phật tử các giới. Trái tim của những thế hệ tương lai cũng đang có mặt và sẽ nương nhờ vào trái tim tuệ giác và từ bi của quý vị tu học hôm nay.

Hỡi các Tăng Ni sinh, quý vị hãy tính tấn lên!

Trước khi dứt lời, tôi xin chân thành cảm ơn chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, HT Viện trưởng, chư Tôn đức điều hành học viện, quý vị Quan khách, Phật tử các giới đã dành cho tôi thời gian phát biểu và đã lắng nghe sự chia sẻ này.

Kinh chúc quý vị vô lượng an lành, chúc Tăng Ni sinh năm học mới có nhiều thành tựu tốt đẹp.

Trân trọng kính chào.