Trăng là một bảo vật của cuộc sống con người mà trời đất đã hiến tặng cho ta. Nên ta tiếp nhận trăng là phải tiếp nhận với tất cả tâm hồn tĩnh lặng của ta. Nếu ta tiếp nhận trăng với một tâm hồn “suồng sã” thì trăng sẽ chết trong ta, và ta cũng sẽ chết trong trăng.
Đêm về là trăng xuất hiện để hiến tặng tình yêu đằm thắm, tĩnh lặng và mênh mông cho ta, cho thế giới con người và cho hết thảy chúng sanh, kể cả hữu tình và vô tình. Chính nhờ tình yêu của trăng đằm thắm, tĩnh lặng và mênh mông nên lúc nào và ở đâu, tình yêu của trăng vẫn đẹp, vẫn dễ thương. Đẹp và dễ thương đến nỗi có nhiều người “suồng sã” và “chết đuối” với trăng. Nhưng thật ra, trăng chẳng muốn cho ai “suồng sã” và “chết đuối” vì mình.
Trăng đến với ta như mẹ đến với con. Ta đến với trăng như tình ta yêu mẹ. Ta đến với trăng hay trăng đến với ta mà không có một mặc ước hoặc một điều kiện nào cả. Bởi vậy, ta ngắm trăng mỗi đêm là để học hạnh tình yêu không “mặc ước” của trăng. Tình yêu đích thực của trăng là tình yêu không “mặc ước”, vì tình yêu ấy là tình yêu vượt khỏi bến bờ.
Và đêm trăng rằm tháng sáu âm lịch cách đây 26 thế kỷ, từ cung trời Đâu Suất bằng tất cả tình yêu tinh khiết, tĩnh lặng và mênh mông, đấng Thế Tôn đã đi vào thai mẹ và rồi xuất hiện giữa cuộc đời vào ngày trăng rằm tháng tư, như là sự xuất hiện trọn vẹn của vầng trăng tuệ giác. Và rồi, đấng Thế Tôn đi vào Niết Bàn vào ngày trăng tròn tháng hai âm lịch.
Như vậy, đấng Thế Tôn đi xuống cũng đi xuống cùng với vầng trăng trọn vẹn. Nghĩa là Thế Tôn đi xuống với cuộc đời bằng tất cả tình yêu trong sáng và trọn vẹn của chính mình. Đấng Thế Tôn đi ra từ trong thai mẹ với cuộc đời cũng cùng đi với một vầng trăng trọn vẹn. Nghĩa là Thế Tôn đi ra với cuộc đời cũng bằng tất cả tình yêu trong sáng và trọn vẹn của chính mình. Và Thế Tôn đi về cũng đi về cùng với một vầng trăng trọn vẹn. Nghĩa là Thế Tôn sau khi hành Đạo xong, Ngài đi về cũng đi về với tất cả tình yêu trong sáng và trọn vẹn của chính mình.
Bởi vậy, khi ta ngắm trăng với tâm hồn tĩnh lặng, là ta có khả năng tiếp xúc được với ý nghĩa sâu xa của sự đi xuống, đi ra và đi về của Thế Tôn. Ta có thể thấy Thế Tôn qua trăng hay thấy Thế Tôn là trăng.
Và qua trăng, ta cũng có thể thấy được tâm ta. Tâm ta cũng có thể là mặt trời và cũng có thể là mặt trăng, cũng có thể là núi tuyết hay một núi đá chai lì, mà cũng có thể là một dòng sông hay một biển cả. Nếu ta ngắm và tiếp nhận trăng bằng tất cả tình yêu trong sáng và trọn vẹn của ta, thì tâm ta là hơi ấm của ban ngày, là sự tươi mát của ban đêm, là núi tuyết không lạnh lùng, là núi đá vững chãi, là dòng sông ngọt ngào, linh hoạt, là biển cả và ánh trăng yên lặng tỏa chiếu lên nhau không có lằn mức.
Và trái lại, nếu ta ngắm và tiếp nhận trăng bằng tình yêu khuyết tật của ta thì chất liệu lo lắng, sợ hãi, thất vọng sẽ sinh khởi trong ta và đưa ta đi vào trong trầm luân dâu bể. Ở nơi đó, ta không còn là ta nữa, ta chỉ là sự chát đắng và khóc than.
Đêm 11 tháng 5 âm lịch, tức là đêm 21- 6- 2002, tôi cùng với hai người học trò ngồi chơi và ngắm trăng trên hồ Bán Nguyệt Từ Hiếu. Tôi đưa cây roi mây đùa chơi với nước, ánh trăng chao dưới đáy hồ. Tôi nói: “Ánh trăng lung linh! Lung linh!” – Một người học trò nói: “Tình thầy cũng lung linh! Lung linh!” -Và một người học trò khác lại nói: “Tình thầy không lung linh, tình thầy bất động như vầng trăng trên trời…” Thầy trò tôi đêm ấy thật là bình an và hạnh phúc!
Và đêm 15 tháng 5 âm lịch, tức là đêm 25-06-2002, sau khi cùng với Tăng thân Từ Hiếu tọa thiền tại thiền đường Trăng Rằm xong, tôi bước ra khỏi thiền đường nhìn lên bầu trời trong xanh thấy vầng trăng sáng đẹp, tôi nói với thầy Thái Tịnh và thầy Minh Pháp, “đêm nay trăng đẹp quá, hai thầy đi ngắm trăng đi!” Hai vị nghe tôi nói, họ đi tìm chỗ để ngắm trăng. Còn tôi thì lại nắm tay điệu Nam (điệu mới mười hai tuổi) và nói: “Hai thầy trò mình đi xuống hồ Bán Nguyệt để ngắm trăng”. Đến hồ Bán Nguyệt ngồi yên lặng một chút, tôi hỏi điệu Nam: “Con có thấy trăng đẹp không?” -Điệu Nam trả lời: “Trăng chỉ đẹp sơ sơ thôi.” -Tôi mỉm cười với điệu rồi ngồi yên lặng và nhìn trăng. Khi trăng lên quá đồi thông, ảnh của trăng rơi xuống dưới hồ. Nhìn ánh trăng bất động dưới đáy hồ, tôi hỏi Nam : “Con có thấy ánh trăng dưới đáy hồ đẹp không?” -Nam trả lời: “Dạ đẹp.” -Tôi hỏi: “Tại sao trăng dưới đáy hồ lại đẹp?” -Nam trả lời: “Con không biết, con chỉ thấy nó đẹp và con nói nó đẹp thôi!” -Tôi hỏi: “Mấy con cá dưới nước, nó có thấy ánh trăng dưới đáy hồ đẹp không con hè!” -Nam nói: “Cá không thể thấy, vì cá nằm dưới nước mà trăng thì ở trên nước chiếu xuống”. Nghe điệu Nam nói, tôi vui quá và nói: “Con có làm cá ở dưới hồ đâu mà con biết cá không thấy ánh trăng dưới hồ”. Điệu Nam ngồi im lặng. -Tôi nói tiếp: “Để chứng nghiệm điều đó, con nên cỡi áo, lặn xuống nằm yên dưới đáy hồ xem thử có thấy được ánh trăng dưới đáy hồ không?” – Điệu Nam nói: “Dạ, con không biết bơi!” Tôi cười và xoa đầu điệu Nam, rồi hai thầy trò dắt nhau về chốn cũ giữa tình yêu mênh mông của trăng.
Và rồi tình yêu của trăng đã đi vào trong đời sống của tôi từ bao giờ, chính tôi cũng không biết nữa.
Thích Thái Hòa