Hà Nội,ngày 8 tháng 12 năm 2011
Thầy đã đi Sa Pa cho các con
Các con thương quý!
Trong cuộc sống của con người, các con đang bị áp lực bởi học hành cho khoa bảng và nghề nghiệp, hay đang bị ràng buộc bởi những lo lắng kinh tế cho gia đình, chồng vợ và con cái; hoặc những công việc của công ty và những liên hệ đến những trách nhiệm xã hội, khiến cho các con từ sự bận rộn nầy dẫn sinh những bận rộn khác và bận rộn trở thành trục xe quay tròn đời sống của các con.
Nên, yên tĩnh trở thành sự quý hiếm và khát thèm không phải chỉ của các con mà còn của tất cả nhiều người.
Sa Pa miền núi rừng yên tĩnh và thơ mộng, nơi mà trời đất rất gần gũi và cộng thông với nhau qua những thiên môn, qua khí tiết bốn mùa đều có mặt trong mỗi ngày, và nơi mà rồng mây mỗi ngày đều tương ngộ và phân kỳ, nên ở xứ sở nầy có điều kiện giúp ta tìm lại chính mình trong mỗi ngày trong từng giây phút của tâm thức tĩnh tại và sống động.
Sa Pa là một thị trấn miền núi thuộc tỉnh Lào Cai, nằm phía Tây Bắc nước Việt, cách thành phố Lào Cai khoảng 40 km. Sa Pa có sự liên thông với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên.
Sa Pa là phát âm từ chữ Sa Pả của người Anh. Người Pháp gọi là Cha pa. Sa Pả có nghĩa là bãi cát. Ngày trước cư dân thường họp chợ ở nơi bãi cát nầy. Và ở Sa Pả có mạch nước đùn lên màu đỏ đục, người dân địa phương gọi là “hồng hồ”, nghĩa là “suối đỏ”.
Ở Sa Pa có 17 xã, gồm sáu loại cư dân – Người Kinh ở trung tâm thị trấn và một số xã lân cận, họ đến vùng nầy từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Lào Cai… Người Hmông phần nhiều tập trung ở bản Cát Cát. Người Dao đỏ ở bản Tả Phìn, và có những làng bảng khác của các cư dân Tày, Giáy, Xã Phó.
Ở trung tâm thị trấn có hàng trăm khách sạn sang trọng được xây dựng, theo những kiến trúc Âu châu.
Khí hậu ở Sa Pa trong một ngày có đầy đủ cả bốn mùa. Vào mùa xuân hoa Anh đào, Mận nở ra rất đẹp. Có nhiều người bảo, mùa xuân Sa Pa là thiên đàng của Việt nam, lời nói ấy không phải là cường điệu quá đáng.
Những sinh hoạt lễ hội ở Sa Pa gồm có:
- Hội Róong bọc của người Giáy vào tháng giêng âm lịch.
- Hội Sải Sán (đạp núi) của người Hmông.
- Lễ Tết nhảy của người Dao đỏ vào tháng tết hàng năm.
- Những phiên họp chợ Sa Pa nhộn nhịp từ tối thứ 7 đến ngày chủ nhật hằng tuần.
Sa Pa có chợ tình để nam nữ người dân tộc Hmông, Dao… có thể gặp nhau qua các âm thanh Khèn, Sáo, Đàn môi, Kèn lá hay những lời ca tiếng hát để họ gặp nhau tạo nên bạn tình.
Năm 1942, người Pháp đã cho quy hoạch Sa Pa thành một trung tâm nghỉ mát, có hơn hai trăm biệt thự, có dinh Toàn Quyền, có nhà Thờ Thiên Chúa… Ở Sa Pa cũng có các đền thờ mẫu và trong đền thờ mẫu, người dân đã đặt tượng Ngài Quán Âm để thờ. Người Hmông phần nhiều theo Thiên chúa giáo, ngày chủ nhật họ tập trung về nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi tại trung tâm thị trấn Sa Pa làm lễ rất đông. Phật Giáo chưa có ngôi chùa nào ở Sa Pa cho phật tử thể hiện đời sống tâm linh của chính mình. Thầy đã tiếp xúc với quần chúng ở đây, họ cho Thầy biết, phần nhiều bà con người kinh ở đây đều có gốc Phật giáo và đạo thờ ông bà. Thầy cũng đã quy y cho gia đình chú Sáu Nhài trong chuyến thăm Sa Pa nầy. Chú Sáu gốc quê ở Quảng Bình, ra Hà Nội học và làm việc, gặp chị Nhài quê ở Hải Dương lên Hà Nội học và quen nhau. Sau đó hai vị lên Sa Pa lập nghiệp.
Đến Sa Pa, Thầy thấy những du khách Tây phương họ sống thật thoải mái. Họ biết thưởng thức những nền văn hóa khác họ và nhiều cảnh đẹp của nhiều quê hương khác nhau trên trái đất.
Thầy thấy khi xem những buổi trình diễn văn nghệ của người dân tộc, họ xem hết lòng và tất cả tâm của họ cho cái ấy. Những du khách người Việt, khi ngồi xem những biểu diễn văn nghệ cũng cảm thấy bận rộn, đứng lên ngồi xuống không yên, điện thoại di động reo liên tục, phong cách nầy không thấy có mặt nơi những người Tây phương trong buổi dự văn nghệ nầy.
Thầy ở Sa Pa hai ngày thật thú vị. Người dân và hướng dẫn viên ở Sa Pa cho biết, Sa Pa trước đó là sương mù và rất lạnh, nhưng hai ngày thầy đến đó thì trời lại ấm.
Thầy đã đi thăm người dân tộc Hmông tại bản Cát Cát và Thác Tiên. Ở đây, người dân sống rất hiền lành và không biết tích lũy, nên họ rất nghèo. Các Mục sư và Linh Mục đến cho họ tiền bạc và vận động họ theo Chúa, nên phần nhiều dân Hmông theo Thiên chúa giáo các con à!
Ở Sa Pa có ba nhà Thờ Thiên chúa giáo. – Nhà thờ Đức mẹ Mân Côi ở ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, được xây dựng từ thời Pháp. – Nhà thờ Lao Chái và Hầu Thào thì mới xây dựng cách đây vài năm. Thầy có đến thăm nhà thờ Đức mẹ Mân Côi và Tu viện Tả Phìn. Tu viện nầy được xây dựng từ thời Pháp vào tháng 10 năm 1942 cho các nữ tu dòng khổ hạnh Cơ đốc giáo. Và sau 1945, thì tu viện bị bỏ hoang cho đến ngày nay. Lối cấu trúc của tu viện xây bằng đá trên một triền đồirất công phu, nhìn vào lối cấu trúc của tu viện cũng giúp cho ta biết sự nhiệt tình của chính quyền thuộc địa đối với Cơ đốc giáo. Tu viện tuy hoang phế, rêu xanh và đỏ đã phủ đầy lên bức tường tu viện, nhưng rừng hoa Anh đào ở bên ngoài tu viện vẫn đang ươm mầm chờ một mùa xuân.
Các con biết không?
Người Hmông, Trung quốc gọi là người Miêu. Nghĩa gốc của nó là cây giống. Người Việt gọi là người Mèo. Người Lào gọi là Mẹo và người Thái gọi là Mông. Và do một số nhà nghiên cứu hiện đại sau khi nghiên cứu hệ ngôn ngữ của sắc dân nầy và sử dụng thuật ngữ Hmông để gọi tên sắc dân nầy. Theo sự thống kê cho biết, người Hmông hiện nay tập trung sống ở những vùng núi cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu với dân số 779.000 người.
Hiện nay, tại Sa Pa người Hmông có ba loại – Hmông đen, họ đội mũ đen, sống rất chậm tiến và họ thuộc loại Hmông bảo thủ. – Hmông Hoa, họ đội mũ thêu hoa và mặc áo quần có thêu hoa và nhiều màu sắc sặc sở và người Hmông trắng, họ đội mũ trắng, người rất đẹp và văn minh. Người Hmông hoa và Hmong trắng phần nhiều đã bị kinh hóa rồi các con ạ!
Tuy, họ đều thuộc dân tộc Hmông, nhưng các loại Hmông nầy rất kỳ thị nhau. Nhận thức càng kém, thì sự phân biệt và kỳ thị càng nhiều, điều ấy không phải chỉ có ở trong dân tộc Hmông mà đều có đối với bất cứ ai, đối với bất cứ sắc dân nào.
Ở Sa Pa còn có dân tộc Xã Phó. Theo thống kê cả toàn quốc họ chỉ có 4.000 người. Ở Sa Pa họ tập trung sống ở xã Nậm Sài, về phía cực Nam của thị trấn, đường sá rất khó đi. Họ thuộc ngôn ngữ hệ Miến – Tạng. Họ sống bằng nghề trồng trọt ruộng lúa và cây vườn. Họ rất giỏi về trồng cây dệt vải, đan lát và mây tre. Họ sống với nhau rất đoàn kết và hiếu khách. Mỗi khi có khách đến, họ đều nhảy múa, ca hát để đón mừng khách.
Tại Sa Pa cũng có dân tộc Giáy. Họ sống khu vực cực Bắc của thị trấn Sa Pa. Theo thống kê, người Giáy ở Việt Nam có khoảng 25 ngàn người và ở Sa Pa khoảng 2 phần trăm, tập trung sông ở thung lũng Tả Van, Lao Chả. Họ sản xuất trên những mảnh ruộng bằng lúa Tẻ. Y phục của họ không sặc sở màu mè như các người dân tộc khác. Họ ít thêu thùa màu sắc, chỉ viền quanh cổ và vạt áo. Họ thường xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng, với ý nghĩa cầu cho lúa được mùa. Người Giáy rất hâm mộ âm nhạc. Không có lễ gì của họ mà thiếu âm nhạc. Họ có cả kho tàng văn hóa về chuyện đố và ca dao, tục ngữ. Và chuyện cổ tích của họ cũng rất phong phú, phần nhiều là để giải thích những hiện tượng nhân sinh và xã hội. Người Giáy ngày nay cũng đã được học hành tốt, có những vị đã học xong chương trình đại học.
Dân tộc Tày, theo tư liệu Cẩm Nang Sa Pa, họ có mặt tại các tỉnh cực Bắc của Việt Nam rất sớm vào thế kỷ đầu Tây Lịch. Người Tày cũng còn gọi là người Thổ. Tên địa phương còn gọi là Thổ, Ngạ, Phén, Thu lao và Pa dí. Ngôn ngữ người Tày nói theo hệ Tày – Thái (ngữ hệ Thái –Kadai). Chữ viết dựa theo kiểu chữ tượng hình gọi là Nôm Tày tương tựa như chữ Nôm Việt. Chữ Nôm Tày xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, dùng để chép truyện và thơ. Chữ Tày – Nùng dựa vào các chữ cái La tinh để thiết lập, chữ nầy hình thành từ năm 1960. Người Tày tin có số mệnh, có ngày xấu tốt, có đời sống sau khi chết. Họ cư tang ba năm cho người chết và có nhất lễ nghi quan trọng trong tang lễ. Phần nhiều họ thờ tổ tiên, thổ công, ông táo… Họ có những Tết như Nguyên đán, Tết Vu lan ngày rằm tháng bảy là rất quan trọng đối với họ. Đó là ngày cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát. Tết gọi hồn cho trâu bò vào ngày 6 tháng 6 âm lịch. Người thực hành tín ngưỡng cho người Tày gọi là Thầy Mo. Vị nầy có trí thức, am hiểu phong tục, tập quán, lễ nghi và Phong thủy, nên có vị trí rất cao trong xã hội người Tày.
Trong quan hệ xã hội, Tày tổ chức theo thể chế Quằng tương tự theo thể chế phong kiến. Quằng là người sở hữu hết thảy ruộng đất, sông núi, khe suối. Vì vậy, họ có quyền hoàn toàn trên các mảnh đất đó và theo tập tục cha truyền con nối. Chế độ Quằng của người Tày xuất hiện rất sớm và tồn tại đến cuối thế kỷ 19.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số Tày tại Việt nam hiện nay (2009) là 1.626.392 người. Hiện ở Lào Cai là 94. 242 người. Họ sống chủ yếu là nông nghiệp, gồm trồng lúa, bắp, khoai lang… Họ thường cư trú ở ven suối, chân núi thành bản và mỗi bản khoảng chừng 15 đến 20 nóc nhà. Người Tày thường mặc các trang phục màu chàm. Đầu họ cũng chít khăn màu chàm. Trong đời sống gia đình, họ có quy định rõ ràng sự liên hệ giữa các thành viên. Con trai được quý trọng, tục ở rể đã bỏ, vợ chồng họ rất thương quý nhau, nên trường hợp ly dị rất hiếm xẩy ra. Tôn giáo của họ, gồm Vật linh, Phật giáo và Cơ đốc giáo. Âm nhạc của Tày gồm có các điệu hát Then, hát Lượn, hát Sli. Nhạc cụ nổi tiếng của người Tày là Đàn tính, Lúc lắc. Nhà ở kiến trúc theo lối nhà sàn ba gian hai mái. Gian giữa là tín ngưỡng và bàn thờ tổ tiên, khách và người nữ có thai không được ngồi ở gian giữa. Mỗi gian đều có vị trí quy định rõ ràng. Họ ăn cơm sau 2 giờ chiều và vào 8 giờ tối. Họ có tục lệ tảo mộ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch mỗi năm. Đây là lễ trong năm quan trọng nhất của người Tày.
Thầy lại đi thăm người dân tộc Dao đỏ ở bản Tả phìn. Người dân tộc Dao đỏ có gốc từ tỉnh Vân Nam, Hải Nam Trung Quốc, tại Việt Nam có khoảng 350. 000 người. Người Dao còn có các tên như Mán, Đóng, Trại, Dìu Miền, Kim Miền, Lù Gang, Làn Tẻn, Đại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng…
Ngôn ngữ của họ nói rất nhiều loại, có loại như Dìu Miền, Kim Môn, Bố Nỗ… Chữ viết của người Dao có gốc rễ từ chữ Hán, nhưng đã Dao hóa. Văn hóa của họ hiện nay tìm thấy có 23 truyện thơ như Hàn bằng, Đàm thanh, Bát nương… tất cả những câu chuyện đều có nội dung nói về sự vất vã đi tìm đất sống.
Người Dao có tục thờ Tổ tiên Bàn Hồ. Có thể xác nhận họ tộc của người Dao qua tên đệm. Người Dao có tục hỏa táng cho người chết từ 12 tuổi trở lên và có tục gởi rể có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Người Dao tại Việt Nam, theo điều tra dân số 2009, có 751.000 người, trong đó ở Lào Cai có 88. 376 người, có ba nhóm, gồm Dao Tuyển, Dao Nga Hoàng và Dao Lản Tẻn. Họ từ Vân Nam Trung Hoa di cư đến Việt Nam vào đời Lê, khoảng thế kỷ 17, qua đường núi, đường biển và đường sông, nhưng theo Cẩm nang Sa Pa người Dao đỏ từ Vân Nam di chuyển đến Việt Nam vào thế kỷ 13.
Người Dao đỏ rất hiếu khách, chân tình và sống rất sạch sẽ tiêm tất. Đám cưới của họ không thể thiếu ca nhạc. Người rể đến nhà cô dâu để cõng cô dâu về nhà và đợi giờ tốt mới đưa cô dâu ra trình diễn mọi người.
Người Dao đỏ làm việc rất chăm chỉ và biết tích lũy, nên đời sống khá hơn so với người Hmông đen. Họ nói giỏi hai thứ tiếng Việt và Dao đỏ. Người nữ Dao đỏ có trang điểm bằng tục cạo chân mày và một phần tóc trên trán.
Người Dao có tín ngưỡng rằng, con chó là tổ tiên của họ, nên họ rất tôn trọng chó.
Đến Sa Pa, Thầy thấy rất nhiều cửa hàng đề Thuốc tắm Dao đỏ. Sau khi tìm hiểu mới biết, đó là một loại thuốc cổ truyền của người Dao đỏ, với hai mươi loại lá hái từ Hoàng liên sơn. Thuốc tắm Dao đỏ giúp cho ta có làn da mịn, phục hồi sức khỏe, thải hết chất độc trong người qua tuyến mồ hôi, điều trị các chứng bệnh phong thấp, bại liệt và giúp cho ta có cảm giác lâng lâng.
Thầy đã ngồi chơi và nói chuyện với họ. Họ cho biết “một tấm vải thêu nhỏ hay một tấm thảm nhỏ, họ phải thêu chăm chỉ mất hai tháng, nhưng khi bán, chỉ có năm trăm ngàn đồng Việt nam. Thầy đã hỏi họ và học được một số từ ngữ của dân tộc Dao đỏ như: Xin chào = Tai oa. Cảm ơn = Tu a. Hẹn gặp lại = Chu tể tai ya u. Cái này bao nhiêu = Nai bo chia. Số 1 = yet; 2 = i, 3 = pour; 4 = hi; 5 = pìa; 6 = chú; 7 = shi; 8 = hiết; 9 = trua; 10 = chiệp; 20 = nhị chiệp; 30 = pha chiệp; 40 = phẩy chiệp; 50 = hừ chiệp; 60 = lụa chiệp; 70 = chiết chiệp; 80 = pet chiệp; 90 = chua chiệp; 100 = jet pe…
Ruộng ở Sa Pa chỉ canh tác một mùa thôi. Ruộng không thể sử dụng cơ giới hóa để canh tác được, vì nó nằm ở triền đồi và từng thửa rất nhỏ.
Đời sống của người Kinh và các dân tộc ở Sa Pa mới khá lên khoảng mười năm nay, từ khi khách du lịch biết đến. Huyện Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai, có 17 xã. Người ở thị trấn và các xã có khách du lịch tham quan, thì kinh tế rất khá và đa số đều có biết tiếng Anh. Những hướng dẫn viên du lịch người Hmong, người Dao đỏ nói tiếng Anh lưu loát và lịch thiệp.
Khách sạn Summit nơi quý Thầy lưu trú là của một doanh nhân ở Hà nội. Doanh nhân nầy có người rể Tây phương làm lễ tân rất lịch thiệp và nói tiếng Việt rất lưu loát. Du khách Tây Phương đến Sa Pa rất là nhiều. Phong cách làm ăn du lịch tại đây biết kết hợp hài hòa giữa khách sạn với Tàu lửa cũng như các công ty tour từ Hà Nội và Lào Cai. Vì vậy, du khách đến Sa Pa cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái. Có những du khách Tây phương họ đi sâu vào các làng bản, họ sống và sinh hoạt với các dân bản năm ba ngày có khi cả tuần, để nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ cũng như các tập tục của các dân tộc.
Thầy cũng đi thăm Thác Bạc ở phía Tây cách Sa Pa khoảng 12 km và núi Hàm rồng cách thị trấn Sa Pa khoảng 3 Km. Núi Hàm rồng rất đẹp, đỉnh cao khoảng 1700m. Núi Hàm rồng là thắng cảnh đẹp nhất ở Sa Pa. Đứng ở núi Hàm Rồng, nhìn gần ta thấy toàn bộ thị trấn Sa Pa nhỏ xíu, các thung lũng sâu hút và nhìn xa ta thấy đỉnh Phan xi păng của dãy Hoàng Liên Sơn cao 3145m, tính từ mặt biển. Chiều 14 giờ 30, Thầy và Thầy Pháp Mãn, Thầy Minh Thế đã tham dự một buổi trình diễn văn nghệ ở Làng văn hóa theo truyền thống của các dân tộc ở Sa Pa, qua các tiết mục: – Mừng hội trống đồng – Biểu diễn trống và kèn – Người Hmông tìm vợ – Múa quạt của dân tộc Ráy – Múa kèn ngày hội – Ngày hội cầu mùa của dân tộc Sapo – Múa kèn dân tộc Hmông…
Sau khi xuống núi ghé nhà cư sĩ Sáu Nhài dùng cơm và quy y cho cả gia đình của cư sĩ Sáu Nhài.
Đến 17 giờ 30, xe Tour đã đưa Thầy, Thầy Pháp Mãn và Thầy Minh Thế cũng như du khách xuống Thành phố Lào Cai để đi Tàu lửa về Hà Nội. Tàu đã đưa Thầy về Hà Nội vào lúc 5 giờ 15 phút sáng giữa cơn mưa nhẹ giữa Hà thành. Anh Luận đã đón quý Thầy tại sân ga và đã đưa quý Thầy về nghỉ tại Bồ đề tâm, ở 68 Phạm Huy Thông.
Thầy-Thái Hòa