Con đường chúng ta đi

Đức Phật dạy:  Người biết tu tập, họ không đua đòi theo đám đông, họ biết dừng lại đối với những gì không cần thiết. Tâm họ luôn luôn quay về nương tựa và an trú vững chãi ở nơi Phật – Pháp – Tăng.

Phật-Pháp-Tăng là trọng lực và hấp lực của người biết tu tập, ngoài trọng lực và hấp lực này, người biết tu tập không bị bất cứ một trọng lực hay một hấp lực nào khác quyến rủ. An trú ở trong trọng lực này và được bảo vệ bởi hấp lực này, gọi là an trú trung đạo và được hấp lực của Phật đạo hộ trì, khiến người tu tập không bị rơi vào tà kiến và tà đạo, không bị rơi vào trong dòng xoáy của sinh tử khổ đau. Họ từ nơi bóng tối bước ra ánh sáng và từ nơi ánh sáng bước tới ánh sáng. Họ từ nơi mê lầm mà giác ngộ và từ nơi giác ngộ từng phần mà dẫn đến giác ngộ toàn phần và rồi trở thành bậc chánh biến giác.

Tăng là giới; Pháp là định; Phật là tuệ. Giới định tuệ là những phẩm tính căn bản tạo thành Phật-Pháp-Tăng. Tăng do giới tác thành, nên bản thể của Tăng là hòa hợp và thanh tịnh. Hòa hợp mà không thanh tịnh là không phải Tăng; Thanh tịnh mà không hòa hợp lại càng không phải là Tăng. Thanh tịnh mà không hòa hợp là hạnh của hàng Độc giác không phải là hạnh của Tăng và không phải là ruộng phước để cho chư thiên và nhân loại gieo trồng phước đức, hướng tới đời sống giải thoát và giác ngộ.

Hòa hợp mà không thanh tịnh chỉ là những đoàn thể thế tục, lại càng không thể gọi là Tăng. Pháp từ thiền định mà đức Phật chứng nghiệm và tuyên thuyết, pháp ấy rất thiết thực, có khả năng chấm dứt khổ đau ngay trong đời này cho những ai biết hành trì nó; Phật luôn luôn ở trong thiền định, nên các loại phiền não và vô minh hoàn toàn bị nhiếp phục và đoạn tận, từ đó giới đức thành tựu và phát sinh, khiến trí phát sinh, tuệ phát sinh, minh phát sinh và giác phát sinh. Trí tuệ, minh giác viên mãn gọi là Phật, cũng là phong cách và hiệu quả chuyển vận pháp luân của Phật.

Ta đi trên con đường đức Phật đã đi, con đường ấy là giới định tuệ. Con đường này trong quá khứ các bậc Bồ tát đã đi, hiện tại các vị Bồ tát đang đi, vị lại các vị Bồ tát cũng sẽ đi và các bậc Thánh trí Thanh văn trong ba đời và mười phương cũng đều đi như thế. Đi bằng con đường này thì nhất định ta sẽ vượt qua những chướng ngại của phiền não và vô minh ở nơi tâm ta, từ thô đến tế, từ ngoại tướng đến nội tâm, khiến các thân hành, ngữ hành và tâm hành luôn luôn an tịnh. Ba nghiệp đạo của thân, ngữ và ý thanh tịnh, ta có an lạc ngay trong thân năm uẩn này và ngay trong cuộc sống này. Ta có sự tự do trong mọi hành xử, có thảnh thơi ngay giữa sinh và diệt, giữa có và không, giữa cố chấp và buông xả, giữa ràng buộc và tự do và giữa đôi bờ sinh tử.

Đi trên con đường ấy, ta có khả năng nhìn xuống để bước lên, nhìn lại để bước qua, nhìn lui để bước tới, nhìn ngoài để bước vào trong, nhìn vào trong để minh triệt việc ngoài, nhìn việc trước mắt để thấy việc sau lưng, nhìn trong một niệm mà thấy xuyên suốt cả ba đời, nhìn trong một hạt bụi mà thấy cả mười phương, nhìn hữu vi mà thấy pháp vô vi, nhìn sinh diệt mà thấy pháp chân như, thấy huyễn thân từ pháp thân mà biểu hiện, thấy chân thân ngay nơi thân năm uẩn diệt sinh.

Con đường ấy, cái thấy ấy, chư Phật đã đi và đã hoàn tất. Các vị Bồ tát đang đi, đang và sẽ hoàn tất. Con đường ấy, cái thấy ấy, các bậc Thánh giả Thanh văn cũng đang học và đang đi, rồi cũng sẽ thấy và sẽ hoàn tất.

Đi trên con đường ấy, trước sau gì ta cũng chấm dứt sinh tử, điều đáng làm ta sẽ làm xong, nếp sống cao thượng ta sẽ hoàn thành. Ta tin như vậy, ta sống như vậy, thì trước sau gì, kết quả cũng xảy ra cho ta đúng như những gì ta tin và ta sống.

Thích Thái Hòa