Tâm Phật và Thong Dong

Có nhiều người tự hào về sự hiểu Phật của mình, nhưng đối với một người thực tu và thực học, thì chẳng có ai có niềm tự hào ấy cả, vì sao?

Vì Kinh nói: “Bao nhiêu tâm niệm nhiều như cát bụi, có thể đếm biết được; bao nhiêu nước trong đại dương có thể uống hết được; hư không có thể đo lường được; gió có thể cột lại được; nhưng công đức của Phật, thì không thể nói hết được”.

Trí tuệ của Phật ta không thể luận bàn được; hạnh của Phật ta không thể đong lường được; tình thương của Phật ta không thể diễn tả được và công đức của Phật ta không thể nói hết được, nhưng niềm tin tưởng của ta đối với Ngài, ta có quyền thể hiện được ngay trong điều kiện hiểu biết của ta.

Ta tin rằng, Phật không bao giờ chiếm dụng tài sản của chúng sanh, vì sao? Vì lòng tham nơi Ngài đã đoạn tận; ta tin rằng, Phật không bao giờ não hại chúng sanh, vì sao? Vì lòng sân nơi ngài đã không còn; ta tin rằng, Phật không bao giờ nói dối với chúng sanh, vì sao? Vì tâm danh lợi và chấp ngã nơi Ngài không còn; ta tin rằng, Phật không bao giờ ghét và bỏ chúng sanh, vì sao? Vì Ngài có đầy đủ tâm đại bi và có đầy đủ vô số phương tiện để hóa độ,…

Ta tin rằng, đức Phật là bậc toàn giác đối với mọi sự hiện hữu, đó là quyền của ta, nhưng không phải vì do ta tin mà Ngài trở thành bậc Toàn giác, hay do ta không tin mà Ngài không phải là bậc Toàn giác.

Sự Toàn giác của đức Phật là chính ở nơi tâm và trí của Ngài, chứ không phải ở nơi tâm và trí của ta, vì vậy ta có tin tưởng và ca ngợi hết lời về Ngài, thì sự toàn giác nơi Ngài chẳng phải vì sự tin tưởng và ca ngợi của ta mà tăng thêm và cũng không phải vì ta hủy báng Ngài đến hết cả lời, mà sự toàn giác ở nơi đức Phật bị thiểu giảm.

Tâm của bậc Giác ngộ không hề sinh ra bởi sinh và không hề bị diệt mất bởi diệt, nên mới gọi là tâm của bậc Giác ngộ hoàn toàn.

Tâm ấy mọi người đều có, nhưng không nhận ra, nên sống với tâm chúng sanh và bị ràng buộc ở trong sanh tử; những bậc có trí trong đời nhận ra tâm ấy và thường sống với tâm ấy, nên thong dong giữa đôi bờ sanh tử.

Thích Thái Hòa