Hiếu Đạo – Nền Tảng Của Mọi Phước Đức

Hiếu Đạo – Nền Tảng Của Mọi Phước Đức

(Pháp thoại Thầy Thích Thái Hòa chia sẻ nhân ngày chung thất của cố Phật tử Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy, vào ngày 12.08.2017 nhằm ngày 21.06 năm Đinh Dậu tại  Tp. Đà Nẵng)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cùng toàn thể trai chủ quý mến!

Hôm nay là ngày 12.08.2017 nhằm ngày 21.06 năm Đinh Dậu tại TP Đà Nẵng, qua lời tác bạch thỉnh nguyện cúng dường của trai chủ, tôi thay mặt hiện tiền chúng Tăng, ghi nhận lời tác bạch chí thành cúng dường của quý vị trong trai quyến, nhân cơ hội này tôi xin chia sẻ đến quý vị những điều sau đây, mong quý vị chí thành lắng nghe!

Thứ nhất: Hiếu đạo là căn bản của tri thức

Hiếu đạo là căn bản của đạo đức, trong đời ai có tri thức thì người đó biết suy nghĩ và thể hiện lòng hiếu đạo của mình đối với Cha Mẹ, Tổ tiên, Ông Bà Nội Ngoại, chỉ trừ ra những người trơ lì sự hiểu biết thì mới không hiểu hiếu đạo, không có lòng hiếu đạo và không biết hiếu đạo là gì để thể hiện. Cho nên, hiếu đạo là căn bản của tri thức, nếu không có hiếu đạo tức là không có căn bản của tri thức. Tri thức đã không có thì làm gì có trí thức? Trí thức đã không có thì làm gì có trí tuệ? Không có trí tuệ thì không thể hiểu biết được nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của mình từ một đời cho đến nhiều đời và sự liên hệ giữa mình với cha mẹ, tổ tiên để thể hiện sự hiếu kính, nhằm gieo trồng những hạt giống tốt đẹp cho mình trong đời sống hiện tại và tương lai qua sự hiếu kính đối với cha mẹ và tổ tiên. Cho nên, hiếu đạo là căn bản của tri thức. Không có tri thức thì không căn bản của sự hiểu biết. Không có căn bản của sự hiểu biết, thì sẽ không có căn bản của tình cảm.

Thứ hai: Hiếu đạo là căn bản của tình cảm

Ở trong đời không một ai từ trên trời cao rớt xuống, cũng không một ai từ dưới lòng đất vọt lên và cũng không một ai từ bụi bờ mà chui ra làm người. Tất cả chúng ta là con người, chúng ta sinh ra từ Cha ta, từ Mẹ ta và được nuôi lớn từ sự  lao tác của cha mẹ ta. Cha mẹ ta phải lao tác từ tay chân đến trí thức để nuôi lớn hình hài của chúng ta giữa cuộc đời này. Cha mẹ của ta đã dành tình cảm ta khi ta mới bắt đầu nằm trong phôi thai và ta đã được cha mẹ ta chăm sóc từ đó.

Cho nên hiếu đạo là căn bản của tình cảm. Cha mẹ của chúng ta đều do có hiếu đạo với Tổ tiên, Ông bà nội ngoại và các Bậc tiền nhân mà sinh ra ta, nuôi ta một cách khó nhọc,không hề kể lể công lao. Ta lớn lên từ tình cảm hiếu đạo ấy, cho nên hạt giống hiếu đạo ấy có trong ta và ta được Cha mẹ ban tặng và chăm sóc từ buổi đầu. Nên, trong đời sống, không ai gần gũi ta bằng cha mẹ ta, cho nên trên đời này mất cha, ta không thể tìm ra một người cha khác, mất mẹ ta cũng không bao giờ tìm ra một bà mẹ khác để có thể thay thế. Mất nhà cửa, tiền bạc, châu báu, và địa vị xã hội, ta có thể tìm ra được những cái khác để thay thế, nhưng mất cha, mất mẹ thì ở trên đời này không ai có thể thay thế được. Cho nên hiếu đạo là căn bản của tình cảm.

Ta không có tình cảm với cha ta, không có tình cảm với mẹ ta là ta chưa bao giờ nếm trãi được căn bản hạnh phúc của cuộc sống. Cho nên, những ai ở trong đời đã nếm trãi được căn bản tình cảm của cuộc sống thì chất liệu hiếu đạo trong họ tỏa ra một cách tự như mặt trời cho mọi người, muôn vật ánh sáng ban ngày và mặt trăng cho mọi người, muôn vật ánh sáng ban đêm, như không gian cho ta không khí để thở.

Vì vậy, tình cảm sinh ra từ chất liệu hiếu đạo là tình cảm của đạo hạnh, Ta nói nhiều về tình cảm, ta ca ngợi về tình cảm mà ta không có cử chỉ và hành động hiếu thảo với cha mẹ ta khi đang còn sống, khi già yếu, khi bệnh tật, nên khi lớn lên ta ra sống giữa đời ta mất đi căn bản của tình cảm. Một khi ta bị mất căn bản của tình cảm, thì xã hội không có cơ sở nào để tin tưởng vào những đối xử tốt đẹp của ta, không có cơ sở để tin vào chuẩn mực đạo đức của ta. Nên, tôi nói hiếu đạo là căn bản của tình cảm và chuẩn mực của đạo đức.

Thứ ba: Hiếu đạo là căn bản của đạo đức

Đức Phật dạy: Người nào có khả năngthực hành hiếu đạo trong đời sống của chính mình, người đó có khả năng đóng lại cánh cửa tạo ra tội lỗi và đóng lại cảnh cửa để mình không bị sinh vào cảnh giới địa ngục, ngã quỷ và súc sinh. Mở ra cho mình một nếp sống nhân văn ở trong thế giới con người và mở ra cho mình một con đường thánh thiện để bước lên phước báu của Chư thiên, cảnh giới của các Bậc thánh hiền, Bồ tát và Tịnh độ của Chư Phật. Thế mới biết, hiếu đạo là căn bản của đạo đức. Một người có hiếu với cha mẹ, họ không bao giờ làm một điều gì để cha mẹ của họ đau khổ, tủi nhục, và họ cũng không bao giờ làm điều gì mà trái ý tốt đẹp của cha mẹ họ. Nhờ vậy, đạo đức của họ càng ngày càng tỏa ra như hương thơm của hoa. Hoa đây là hoa của hiếu đạo, cho nên bông hoa ấy ở đâu cũng đẹp và trang nghiêm. Nó hiện hữu ở đâu thì hương thơm tỏa ra ở đó, nó hiện hữu ở đâu thì tạo ra không khí nhẹ nhàng hòa thuận trên dưới, trong ngoài đều êm đẹp. Bông hoa hiếu đạo nở ra ở đâu thì cái xấu trở thành cái tốt; cái dỡ trở thành cái hay; cái bất tịnh trở thành thanh tịnh; cái thấp kém trở thành cái thanh cao. Do đó, hiếu đạo là căn bản của đạo đức.

Cho nên, trong Kinh Đức Phật dạy: “Gia đình nào mà có người con, người cháu, sống hiếu đạo thì gia đình ấy là thiên đường ngay trong cõi hiện tại, ngay trong thế gian này. Gia đình nào có người con, người cháu biết kính mến Cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, biết thương người và vật, gia đình ấy không những được mọi người trong xóm làng quý mến mà còn ra xã hội, mọi thành phần xã hội cũng quý mến noi theo gương sáng ấy để mà học hỏi.

Nên, từ Đông sang Tây, từ Âu đến Á không có một bậc minh triết nào mà không ca ngợi đạo hiếu và không thể hiện hiếu đạo.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Bậc hiếu đạo hoàn hảo, là một Bậc hiếu đạo tuyệt vời. Ngài tu tập thành đạo, về Vương cung thuyết Pháp, độ Hoàng tộc và sau đó Ngài đã lên Cung trời Đao lợi thuyết Pháp độ mẹ, để cho Mẹ hướng tâm đến đời sống cao thượng, hướng tâm đến đời sống siêu việt sinh tử mà không bị ràng buộc bởi phước báu hữu lậu, tầm thường của thế gian.

Thứ tư: Hiếu đạo liên hệ đến trung ấm thân

Hôm nay, nhân ngày chung thất tân mẫu, tất cả con cháu của Cố Phật tử Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy, đã biết cung thỉnh chư Tăng về tại tư thất của mình để cầu nguyện cho sự hiếu đạo của quý vị được thành tựu đối với bản thân, đối với người thân của mình, khiến cho mẫu thân đã qua đời được trượng thừa công đức siêu sinh Tịnh độ.

Tôi thay mặt hiện tiền chúng Tăng có lời tán dương công đức hiếu đạo của quý vị và quý vị phải biết rằng, người thân của mình sau khi qua đời, nếu làm hạng người cực ác thì tâm thức của họ liền rơi vào cảnh giới địa ngục như tên bắn không có một lực nào cản nổi; còn đối với hạn người cực thiện thì tâm thứccủa họ, sau khi xả bỏ thân này liền sanh lên cõi trời hưởng vô lượng phước báu và chỉ có trường hợp đối với hạng người thiện ác không rỏ ràng, chánh tà không phân minh thì có giai đoạn trung ấm thân.

Trung ấm thân là thân sau khi chết và trước khi tái sinh đời sau. Thân ấy có thể tồn tại 03 giờ sau khi chết, có thể tồn tại 06 giờ sau khi chết, có thể tồn tại 24 giờ sau khi chết hoặc có thể tồn tại 01 tuần, 03 tuần , 07 tuần, 100 ngày, 1 năm hay 2 năm hoặc có thể nhiều hơn nữa, sau khi chết. Tùy theo khả năng cầu nguyện của thân quyến mà thân trung ấm  của người ấy, tiếp được năng lượng hiếu đạo, và năng lượng cầu nguyện của những người thân hồi hướng, khiến trung ấm thân của người thân sớm chọn ra được cảnh giới tốt đẹp đế tái sinh đời sống tương lai.

Cùng quý vị trai chủ quí mến!

Giả như với người cực ác, mà quý vị biết tu tập, anh chị em biết sống hòa thuận với nhau, thương quý nhau, trên nói dưới nghe, dưới trình bày những ý tốt đẹp trên lắng nghe và cùng nhau hòa hợp để thực hiện và cùng nhau làm những điều tốt đẹp, để hồi hướng cho những người thân yêu của mình đã qua đời, thí cho dù người cực ác đã rơi vào cảnh giới địa ngục, họ cũng sớm xả bỏ cảnh giới địa ngục mà bước ra, để sinh vào cõi phước báu nhân thiên.

Đối với những người đã sinh vào thế giới của chư Thiên rồi, nhưng do trong thân quyến con cháu, bạn bè biết tu tập, có hiếu đạo và biết hồi hướng công đức cho người thân của mình đã qua đời, thì họ từ phước báu sanh vào cõi chư thiên Dục giới thì họ lại được sanh vào cõi chư thiên Sắc giới và từ chư thiên Sắc giới, họ lại được sanh vào cõi chư thiên Vô sắc giới, và nếu họ đã sanh vào cõi chư thiên Vô sắc giới, thì họ lại được sanh vào cõi phước báu của các Bậc thánh, Bồ tát, chư Phật.

Còn đối với hạng người ở trong giai đoạn trung ấm thân, thì nhờ sự tu tập, làm việc lành, cúng dường trai tăng, tụng kinh bái sám, phóng sanh, bố thí của người thân để hồi hướng công đức cho người thân đã qua đời ở trong giai đoạn của trung ấm thân, thì thân trung âm của người than ấy rất hoan hỷ, rất sung sướng, rất vui mừng, vì nghĩ rằng mình đã qua đời, nhưng mà người thân còn lại của mình trong gia đình biết thương mình, quý mình, hết lòng vì mình, cho nên đã làm những việc tốt đẹp như bố thí, cúng dường hòa thuận, hiếu kính và tụng kinh, bái sám để hồi hướng cho mình. Không những vậy, lại còn cung thỉnh chư Tăng trai Tăng cúng dường để cầu nguyện cho mình, nên trung ấm thân của người đã qua đời rất sanh tâm hoan hỷ. Nhờ vậy, mà họ được trượng thừa công đức, siêu sanh Tịnh độ.

Do đó, hôm nay 49 ngày của Cố PT Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy, các con trai, gái, dâu, rể, bà con, anh em trong thân tộc nội ngoại đã cùng nhau hòa thuận cung kính Tam Bảo, cung thỉnh chư Tăng về tại tư thất của mình để cúng dường trai Tăng, xin nương đức thanh tịnh của chư Tăng để chú nguyện cho hương linh cố PT Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy được trượng thừa công đức siêu sanh Tịnh độ.

Đây là một việc làm vô cùng giá trị, vô cùng có ý nghĩa, tôi tin chắc rằng, giờ phút này thân trung ấm thân cố PT Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy, nhìn không khí trang nghiêm, thanh tịnh này của Tam Bảo, của hiện tiền chúng Tăng, nhìn con cháu của mình đang thể hiện hiếu đạo mà sanh tâm hoan hỷ, khiến có bao nhiêu oán đối đối với người đang sống, giờ này cũng được giải thoát; có bao nhiêu phiền não trong tâm thì giờ này cũng được lắng yên; có bao nhiêu sự sợ hãi, lo lắng để có thể tiếp nhận thân đời sau, thì giờ này hương linh đã trở nên vững chãi và ánh sáng trong tâm thức của hương linh đã bắt đầu sáng ra, hương linh đã có thể tiếp xúc được với ánh sáng đỏ rực của Đức Phật A Di Đà thường trực từ Phương tây phóng ra, và khi hương linh tiếp xúc được ánh sáng đỏ rực này của Đức Phật A Di Đà, thì hương linh đừng sanh tâm lo lắng, sợ hãi mà phải nhớ rằng:

“Con đã từng Quy Y Phật, Con đã từng Quy Y Pháp, con đã từng Quy Y Tăng; Con là Phật tử ở cõi Diêm phù đề dưới sự giáo huấn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, của Tăng đoàn ở dưới cõi Diêm phù đề này, Con tin tưởng Thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà được tạo nên từ bản nguyện của Ngài, nên rất thanh tịnh, rất trang nghiêm. Xin Ngài, phóng hào quang tiếp dẫn con là PT Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy, hương linh hãy khởi tâm như thế thì tức khắc bao nhiêu nghiệp chướng, tội chướng, báo chướng của hương linh đều được diệt sạch và chỉ chừng khoảng khắc, hương linh được sanh về thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà, cùng các bậc Thượng thiện nhân ở đó, tiếp tục tu học, nuôi lớn ba Pháp Quy Y , nuôi lớn tâm Bồ đề của mình, cho đến chỗ viên thành đại nguyện”.

Vậy xin chư Tăng hiện tiền nhất tâm, nhất ý, đem giới đức thanh tịnh của mình, cầu nguyện cho hương linh Trần Thị Cẩm Hồng, Pháp danh Nguyên Thủy được trượng thừa công đức, siêu sanh Tịnh độ, đúng như lời thỉnh cầu của gia quyến và đồng thời đem công đức này hồi hướng cho song thân phụ mẫu, tứ thân phụ mẫu, thất thế phụ mẫu, pháp giới đa sanh phụ mẫu của những người trong thân quyến, đang còn sống được lợi lạc vô biên, những vị đã qua đời được trượng thừa công đức siêu sanh Tịnh độ và hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh đều viên thành Phật đạo .

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ tát Ma Ha Tát !

Đệ tử: Nhuận Pháp Nguyên kính phiên tả